Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng Ukraine: Những diễn biến khó lường

Quỳnh Dương| 15/08/2014 06:18

(HNM) - 2.086 người thiệt mạng, 4.953 người khác bị thương là con số mà Người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Cecile Pouilly vừa công bố trong bản thống kê mức độ thiệt hại trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.


Như vậy, chỉ trong gần 2 tuần, số thương vong đã tăng lên gấp đôi so với khoảng thời gian tính từ khi chính phủ triển khai chiến dịch chống khủng bố vào giữa tháng 4 đến ngày 26-7. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine - với những giằng co về lợi ích giữa nhiều bên liên quan - đang dần biến đất nước xinh đẹp, hiền hòa bên biển Đen thành mảnh đất thấm đẫm đau thương và nước mắt.

Trong ngày 14-8, giao tranh giữa quân đội Chính phủ Ukraine với lực lượng đòi ly khai vẫn tiếp tục nổ ra tại tỉnh Donetsk và Lugansk. Cuộc sống tại vùng chiến sự đang ở mức báo động khi 11 ngày liền không có điện, nước sạch đã hết và chỉ còn rất ít cửa hàng bán đồ nhu yếu phẩm. Trong khi đó, Ukraine và các bên liên quan vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể để cứu trợ dân thường ở khu vực này. Tranh cãi về cách thức tiếp nhận đoàn xe cứu trợ đã lên đường từ Nga vẫn tiếp tục nổ ra.


Đoàn xe cứu trợ của Nga tiến về phía biên giới Ukraine.


Theo tin tức mới nhất, chiều 14-8, đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga đã tiếp tục lộ trình tới Ukraine và hướng theo phía Nam tới thành phố Lugansk, nơi lực lượng ly khai đang kiểm soát. Theo Nga, đoàn 280 xe tải mang theo hơn 1.800 tấn hàng tiếp tế gồm: Thiết bị y tế, thức ăn cho trẻ sơ sinh, túi ngủ và máy phát điện xuất phát ngày 12-8 để sẵn sàng viện trợ cho người dân ở vùng chiến sự của Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đoàn xe cứu trợ theo đúng quy định của Ukraine, tức là chấp nhận đi theo hành trình mà chính quyền Kiev yêu cầu và chịu sự kiểm tra hàng hóa. Nga cũng đã gửi cho nhà chức trách Ukraine và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) danh sách tổng hợp các loại hàng hóa cứu trợ.

Thủ lĩnh lực lượng ly khai ở khu vực Lugansk từ chức
Thông tin được đài Rossiya 24 do nhà nước Nga điều hành phát đi ngày 14-8 khẳng định, Valery Bolotov là lãnh đạo cấp cao thứ hai của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tuyên bố từ chức trong vòng bảy ngày qua. Trước đó, thủ lĩnh ly khai Aleksandar Borodai ở khu vực Donetsk, kế cận với Lugansk, cũng đã tuyên bố từ chức ngày 7-8.

Tuy nhiên, do hoài nghi kế hoạch này của Mátxcơva có thể nhằm viện trợ vũ khí cho quân ly khai, Kiev đã yêu cầu đoàn xe phải qua các trạm kiểm tra của biên phòng, hải quan Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), vận chuyển hàng cứu trợ sang xe của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). Hàng cứu trợ sau đó có thể được phân phát cho người dân Lugansk và Donetsk dưới sự giám sát của các nhân viên ICRC. Đến cuối ngày 14-8, các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Phía Nga không chấp nhận yêu cầu này. Thay vào đó, đoàn xe nhiều khả năng sẽ tiến vào Ukraine từ khu vực Lugansk - nơi phần lớn đường biên giới là do lực lượng ly khai kiểm soát. Nếu đúng như vậy, diễn biến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ có những chuyển biến khó lường trong ít giờ tới.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Nga với Ukraine cùng các nước phương Tây cũng có nguy cơ chuyển hướng căng thẳng mới. Ngày 13-8, Tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine cảnh báo những bất đồng chưa giải quyết về giá khí đốt giữa Ukraine và Nga có thể dẫn tới nguy cơ Nga khóa van cung cấp khí đốt sang các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Tuyên bố trên được Naftogaz đưa ra trong một tuyên bố cùng những đề xuất nhằm hướng tới giải quyết nguy cơ gián đoạn nguồn cung này bằng những nỗ lực chung thông qua các cuộc đàm phán ba bên giữa Ukraine, EU và Nga. Mặc dù Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom từng khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm nguồn cung khí đốt cho các nước Châu Âu trung chuyển qua Ukraine, nhưng nhiều nước EU hiện nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt của Gazprom và một nửa trong số này trung chuyển qua Ukraine, không tránh khỏi lo ngại việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Trước những diễn biến căng thẳng nhiều khả năng ngày càng gia tăng, ngày 14-8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã một lần nữa khẳng định "nhu cầu cấp bách trong việc tăng cường các nỗ lực chính trị, ngoại giao nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine". Đây cũng là mong muốn chung của nhiều người dân Ukraine nhằm chấm dứt khủng hoảng đang nhấn chìm đất nước bên bờ biển Đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng Ukraine: Những diễn biến khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.