(HNM) - Ngày 8-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) mở cuộc điều tra xem ai đứng sau cái chết của hàng chục người dân tại Kiev.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Theo ông S.Lavrov, lâu nay các nước phương Tây đổ lỗi cho lực lượng cảnh sát chống bạo động nay đã bị giải tán của ông Yanukovych gây ra hầu hết các vụ sát hại làm rung chuyển Kiev hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, cuộc điện đàm bị rò rỉ giữa Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashto, rằng phe đối lập với Tổng thống Viktor Yanukovych có khả năng dính líu đến các cuộc tấn công kể trên là chứng cứ cho thấy chính quyền hậu Yanukovych đã phịa ra những kẻ cực đoan nguy hiểm.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga sẽ đáp trả nếu các biện pháp trừng phạt của EU được thực hiện. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp bất thường Hội đồng Châu Âu ngày 7-3 tại Brussels về tình hình Ukraine trong đó đã công bố một số biện pháp trừng phạt Nga. Tuyên bố nêu rõ trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, EU có lập trường rất không xây dựng khi từ chối hợp tác với Nga trong các vấn đề quan trọng cho người dân và giới doanh nghiệp hai bên. Nga không chấp nhận ngôn ngữ đe dọa hay trừng phạt, tuy nhiên nếu chúng được thực hiện trên thực tế Nga sẽ đáp trả. Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ thông tin cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về quy chế của Crimea không hợp pháp là không đúng thực tế.
Cùng ngày, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố những gì đang diễn ra tại Ukraine và xung quanh nước này là sự thống trị của tình trạng vô luật pháp, các tiêu chuẩn kép, sự sụp đổ của luật pháp quốc tế; đồng thời bày tỏ thất vọng trước việc các nước phương Tây vội vã công nhận những người tự xưng là lãnh đạo Ukraine, trong khi đó họ lại hoàn toàn phủ nhận quyền của các lực lượng khác được quyết định vận mệnh của mình.
Ngày 8-3, Nga cho biết, các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) bị cấm vào Crimea đã không có được "lời mời chính thức" từ phía chính quyền Crimea. Nga cũng cho rằng OSCE đã tìm cách vào Crimea mà phớt lờ" các nguyên tắc đồng thuận căn bản của OSCE, cũng như không tính tới các quan điểm và khuyến cáo của Nga.
Trong một động thái khác, Bộ trưởng Ngoại giao 12 nước Trung và Bắc Âu thông báo sẽ sớm cử lực lượng tham gia phái bộ quan sát viên của Liên minh Châu Âu (EU) tới Ukraine để giúp đỡ nước này trong quá trình chuyển giao. Tham gia phái bộ quan sát viên của EU có 12 nước Bắc Âu và Baltic như Estonia, Litva, Latvia, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.