Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tại Syria: Gần hơn bờ vực nội chiến

Trung Hiếu| 20/12/2011 07:05

(HNM) - Mặc dù ngày 19-12, Ngoại trưởng Syria, ông Walid Muallem xác nhận nước này đã ký nghị định thư chấp nhận cho phái đoàn quan sát viên Liên đoàn Arab (AL) đến quốc gia này để giám sát thỏa thuận ngừng bắn nhưng tình hình tuần qua vẫn khiến dư luận lo ngại.

Mong ước đất nước ổn định đang là khát vọng của người dân Syria.


Trong khi Liên đoàn Arab hành động khẩn trương suốt 24 giờ qua để tháo ngòi nổ của một cuộc "nội chiến" tương tàn tại Syria thì trước đó (ngày 15-12), một nhóm tự xưng là đại diện các lực lượng đối lập ở nước này đã kịp tuyên bố thành lập "Liên minh dân tộc" với mục đích không úp mở là lật đổ chế độ hiện hành của Tổng thống Bashar al-Assad. Các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra và mới nhất là ở thành phố Deraa, miền Nam nước này khiến toàn bộ 15 quân nhân tại một trạm kiểm soát phía đông thành phố thiệt mạng. Các phần tử chống đối đẩy mạnh tấn công bạo lực trong vài tuần qua với đỉnh điểm là vụ Daraa nêu trên, làm dấy lên quan ngại về việc Syria đang lại gần hơn bờ vực nội chiến.

Trong khi đó, sức ép quốc tế lên chính quyền Damascus ngày một tăng mạnh. Ngày 17-12, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Hamad bin Jassim al-Thani cho biết, AL đã đạt được nhất trí trên nguyên tắc sẽ đưa vấn đề Syria ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nếu chính quyền của Tổng thống Basharal - Assao không nhanh chóng chấm dứt tình trạng bạo lực và cho phép các quan sát viên Arab vào giám sát tình hình nước này theo kế hoạch hòa bình do AL đề xuất. Cũng theo AL, nếu cuộc khủng hoảng Syria không được giải quyết trong hai tuần tới thì tình hình sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nước Arab.

Việc Syria bị AL đình chỉ tư cách thành viên và đang đối mặt với những trừng phạt từ chính thế giới Arab thuộc AL cũng như phương Tây đã dấy lên dư luận cho rằng, bất ổn tại quốc gia này đã bị quốc tế hóa. Lực lượng chống đối trong nước đã nhận được hậu thuẫn từ bên ngoài khi lên kế hoạch hành động. "Liên minh dân tộc" vừa được thành lập cho thấy mối liên hệ đó. Đây là tập hợp những phần tử chống đối ở cả trong và ngoài nước. Trong khi đó, tình trạng sử dụng trái phép vũ khí của các nhóm vũ trang đã và đang khiến tình hình bất ổn ngày càng thêm nghiêm trọng.

Thời gian qua, các cường quốc phương Tây đã có chỉ dấu rõ ràng về một cuộc thay đổi chế độ tại Syria. Trước nguy cơ khó lường, đại diện thường trực của Nga Vitaly Churkin tại Liên hợp quốc đã tuyên bố: "Cách duy nhất để giải quyết tình hình tại Syria là thông qua một tiến trình chính trị do người Syria đóng vai trò  chủ đạo". Điều đó có nghĩa là tất cả các bên tại quốc gia Trung Đông này đều tham gia trong một nỗ lực chung để chấm dứt khủng hoảng chính trị hiện nay qua đối thoại.

Syria đang rất cần thiện chí tích cực của cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong một diễn biến mới, tại phiên họp kín bàn về tình hình Syria (15-12), đại diện 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga đã đệ trình một dự thảo nghị quyết về cuộc khủng hoảng tại Syria. Theo đó, Mátxcơva lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực của "tất cả các bên, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực không phù hợp của chính quyền Syria"; bày tỏ lo ngại về tình trạng cung cấp trái phép vũ khí cho các nhóm vũ trang gây bất ổn tại Syria. Các nghị sỹ Jordani cũng kêu gọi AL xem xét lại quan điểm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này và cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria phải do người Arab tự giải quyết. Trong một tuyên bố được nhiều nghị sỹ ký tên vào cuối tuần trước, các nghị sỹ Jordani yêu cầu AL ngăn chặn bất kỳ âm mưu nào chống lại người Syria; đồng thời kêu gọi Damascus thực hiện các biện pháp cần thiết để chấm dứt bất ổn, tránh sự can thiệp từ bên ngoài.

Hiện tại, các nước phương Tây đã bày tỏ sẵn sàng xem xét và thảo luận về đề xuất của Nga, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng cuối năm này. Tuy nhiên, thiện chí của Nga có được các bên ủng hộ hay không là một câu hỏi còn để ngỏ. Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói rằng ở thời điểm này, bản dự thảo nghị quyết của Nga là không thỏa đáng. Các nước phương Tây sẽ phản đối bất cứ điều gì "đánh đồng" hành động bạo lực của phe đối lập với hành động trấn áp biểu tình của Chính phủ Syria. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn khẳng định, Washington và Mátxcơva vẫn tồn tại nhiều bất đồng xoay quanh tình hình tại quốc gia Trung Đông này. Do đó, cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn chưa thể tìm ra lối thoát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tại Syria: Gần hơn bờ vực nội chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.