(HNM) - Sức ép quốc tế đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày một tăng. Sự kiện Mỹ, Pháp, ngày 6-12, quyết định đưa đại sứ trở lại Syria đã khiến dư luận khu vực lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này thêm sắc thái mới: quốc tế hóa cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trong thông báo phát đi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố, sự hiện diện của đại sứ Mỹ tại Syria là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để gửi đi thông điệp rằng Washington sát cánh với nhân dân Syria. Điều này có vẻ trái ngược với thông báo trước đó (4-12), của ông Jeffrey Feltman, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Cận Đông, khi cho rằng, vẫn có chỗ cho các biện pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.
Cuộc diễn tập bắn đạn thật theo tình huống giả định có chiến tranh của Syria khiến dư luận thêm lo ngại về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quốc gia này. |
Sự "mập mờ" như vậy của Mỹ sẽ khiến tình hình bạo lực và xung đột phe phái ở quốc gia này thêm phức tạp. Trong một diễn biến mới, ngày 5-12, bạo lực vẫn tiếp diễn nghiêm trọng ở thành phố Homs khi có hơn 60 thi thể được mang đến các bệnh viện với nguyên nhân tử vong chưa được làm rõ. Vấn đề là tại sao chính quyền Damascus chưa chấp nhận hoàn toàn kế hoạch của Liên đoàn Arab (AL) cử quan sát viên đến nước này giám sát việc thực thi cam kết chấm dứt bạo lực của chính phủ. Có nhiều nguyên do khiến Syria lo ngại và nguyên do chính là AL có thể đã bị lợi dụng trong chiêu bài của phương Tây khi cử các quan sát viên và báo giới tới nước này không chỉ với nhiệm vụ đưa tin và quan sát mà còn cổ vũ lực lượng biểu tình chống chính phủ. Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền của Tổng thống B.A.Assad có những lo ngại đó. Ngày 6-12, Syria đã loan tin làm thất bại một chiến dịch của "những kẻ khủng bố" nhằm thâm nhập vào nước này từ quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây liên tục siết chặt các biện pháp cấm vận về kinh tế. Mới đây, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Trước đó, AL đã thông qua một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria như: ngừng các giao dịch với ngân hàng trung ương Syria, ngừng cấp vốn cho các dự án tại Syria; đồng thời phong tỏa tài sản của chính quyền Syria. AL cũng đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Trong một diễn biến liên quan, ngày 2-12, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án những vụ vi phạm nhân quyền "trắng trợn" ở Syria sau khi có bằng chứng cho thấy lực lượng an ninh Syria đã sát hại và tra tấn những người bất đồng chính kiến. Ngay sau đó, Damascus đã bày tỏ thái độ khi tuyên bố, nghị quyết đã được các bên thù địch với Syria chuẩn bị trước và báo cáo mà Ủy ban Điều tra của Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra mang tính chính trị, dựa trên những thông tin dối trá do các tổ chức và các cơ quan báo chí ở bên ngoài Syria truyền bá; đồng thời bỏ qua những thông tin do Syria đưa ra. Theo Bộ Ngoại giao Syria, điều này nhằm kéo dài cuộc khủng hoảng tại Syria và truyền một thông điệp ủng hộ các nhóm khủng bố vũ trang.
Từ đó, có thể hiểu được quyết định ngày 5-12 của chính quyền Tổng thống B.A.Assad khi tuyên bố chấp thuận "có điều kiện" với kế hoạch của AL cử quan sát viên đến nước này giám sát việc thực thi cam kết chấm dứt bạo lực của chính phủ. Theo đó, Syria yêu cầu mọi quyết định và biện pháp trừng phạt áp đặt với nước này phải được hủy bỏ khi hai bên ký nghị định thư về việc này. Cũng trong ngày 5-12, quân đội Syria đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật theo tình huống giả định có chiến tranh để khẳng định sức mạnh. Cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên với giới truyền thông Mỹ, Hãng tin ABC, Tổng thống B.A.Assad đã bác bỏ cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm trong việc giết hại hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ.
Hiện tại, dư luận đang chờ phản hồi từ AL với đề xuất mới của Syria. Phản ứng về điều này, Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota nhận xét, đây là một diễn biến tích cực, tạo điều kiện cho một giải pháp mang tính chính trị. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay chưa có dấu hiệu cho một hy vọng có thể sớm ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.