Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng nhân đạo tại Syria: Nguy cơ hiện hữu

Thùy Dương| 24/05/2020 06:31

(HNM) - Với gần một thập kỷ nội chiến, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hiện Syria tiếp tục phải đối mặt với đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) mới đây đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ có thể xảy ra tại khu vực Đông Bắc Syria do tình trạng cạn kiệt lương thực, nước sinh hoạt và các dịch vụ y tế...

Những người sống trong các khu trại tị nạn ở Syria là nhóm đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19.

Theo ICRC, khu vực Đông Bắc Syria vốn là nơi tập trung nhiều trại tị nạn, với hàng chục nghìn người mất nhà cửa và phải đi lánh nạn do cuộc nội chiến kéo dài suốt 9 năm qua tại nước này. Trại tị nạn Al-Hol ở phía Đông Bắc Syria là một ví dụ, hơn 10.000 người ở đây đều trong tình trạng dễ bị tổn thương. Các lều tị nạn san sát nhau, khiến việc cách ly trở nên khó khăn. Không có hệ thống cung cấp nước, người dân thường xuyên trong tình trạng thiếu nước sạch. Xà phòng khan hiếm và phải dùng tiết kiệm, dung dịch sát khuẩn không có, ngay đến biện pháp phòng dịch căn bản nhất là rửa tay thường xuyên cũng không thể thực hiện. Người tị nạn chỉ còn trông chờ vào hàng viện trợ.

Việc thiếu thực phẩm, nước sạch và không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cùng dịch bệnh Covid-19 bùng phát càng làm gia tăng nỗi khổ của người tị nạn. Cho đến nay, số lượng các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận tại các khu vực tị nạn là rất thấp, tuy nhiên điều này còn do thiếu thiết bị xét nghiệm và người tị nạn hiếm khi được ưu tiên. Không có hệ thống y tế, không được xét nghiệm, họ có thể bị nhiễm bệnh mà không biết, tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm cho cả khu vực rộng lớn. Nếu bị nhiễm bệnh, họ cũng không được cách ly và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong và lây chéo rất cao. Thiếu ăn cùng điều kiện vệ sinh tồi tệ là nguyên nhân khiến cư dân tại các trại tị nạn có sức khỏe kém, sức đề kháng yếu. Các chuyên gia y tế nhận định, bất kỳ sự bùng phát vi rút nào cũng sẽ là thảm họa cho người dân nơi đây.

Không chỉ ở vùng Đông Bắc, các bác sĩ và nhân viên y tế Syria còn lo ngại dịch Covid-19 sẽ lây lan rộng tại các trại tị nạn ở phía Tây Bắc nước này dù hiện nay chưa có trường hợp nào mắc Covid-19, đồng thời cảnh báo rằng các trại tị nạn sẽ không thể đối phó khi dịch bệnh bùng phát do thiếu thiết bị y tế.

Dù mới có 68 ca nhiễm trên cả nước nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá tất cả khu vực của Syria đều có nguy cơ không thể kiểm soát được dịch Covid-19. Trong cuộc họp trực tuyến định kỳ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình nhân đạo tại Syria hôm 19-5, các bên nhất trí hỗ trợ nhân đạo, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường năng lực xét nghiệm cho ngành Y tế, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự đang ngăn cản những nỗ lực nhân đạo tại khu vực vùng Đông Bắc Syria, sau khi cửa khẩu vận chuyển hàng hóa nhân đạo Al Yarubiyah giáp biên giới Iraq không được Hội đồng Bảo an gia hạn. Bất chấp dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chiến sự tại Syria có dấu hiệu nóng trở lại. Trong lúc Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga, Mỹ, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ đều bận rộn chống dịch, đã tạo khoảng trống cho tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có cơ hội quay trở lại chiến trường Syria, thực hiện hàng loạt cuộc tấn công.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở Syria đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ bùng phát của đại dịch Covid-19 đang hiện hữu. Vì vậy, các nhà phân tích nhận định, thay đổi tích cực sẽ chỉ đến với quốc gia Trung Đông này khi có sự tham gia chủ động của cộng đồng quốc tế, thiện chí đối thoại, tìm kiếm giải pháp của các bên liên quan để "ngắt hẳn tiếng súng, dứt hẳn tiếng bom".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng nhân đạo tại Syria: Nguy cơ hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.