(HNM) - Iran đang trải qua thời kỳ khó khăn. Dưới sức ép của phương Tây đối với chương trình hạt nhân của Tehran, ngày 23-9, hãng sản xuất thép lớn nhất nước Đức ThyssenKrupp đã trở thành công ty mới nhất của nước này tuyên bố rút khỏi Iran.
ThyssenKrupp sẽ không tham gia bất kỳ hợp đồng mới nào với đối tác Iran và sẽ tìm cách kết thúc các hợp đồng hiện có càng sớm càng tốt để thể hiện lập trường ủng hộ các chính sách trừng phạt của Chính phủ Đức, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ với Iran. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, đòn nặng ký nhất từ lệnh trừng phạt của LHQ với Tehran là tuyên bố (ngày 22-9) của Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Nikolai Makarov rằng, Nga sẽ không cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran. Sắc lệnh này đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký cùng ngày.
Nga đã quyết định không cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Iran. |
S-300 là tổ hợp tên lửa phòng không di động được phát triển từ thời Liên Xô, được đưa vào trực chiến từ năm 1978. Một tổ hợp tên lửa phòng không S-300 thông thường gồm có trạm chỉ huy và 12 bệ phóng, trên mỗi bệ phóng có 4 quả tên lửa. S-300 có thể đồng thời giám sát 6 mục tiêu, cũng như bắn hạ các tên lửa và máy bay của đối phương ở khoảng cách 150km. Từ lâu, chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã rất ngóng trông ở sự hợp tác này. Cho dù, ngay sau quyết định, ngày 22-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov có động thái xoa dịu khi khẳng định rằng, việc này không có nghĩa Mátxcơva ngừng hoàn toàn hợp tác quân sự - kỹ thuật với Tehran. Hai bên sẽ không hợp tác quân sự hơn nữa, song vẫn còn những hình thức hợp tác quân sự được phép khác. Nhưng rõ ràng, quyết định của Mátxcơva là một trong những thiệt hại nặng đối với Iran. Ngay lập tức, Tehran đã có phản ứng khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Ahmad Vahidi, đã lên tiếng chỉ trích hành động của Nga và đòi phía Nga có trách nhiệm thực hiện các điều khoản của hợp đồng năm 2007, trị giá 800 triệu USD về việc cung cấp cho Iran hệ thống S-300 để trang bị cho ít nhất 5 tiểu đoàn…
Quan hệ Mátxcơva - Tehran đang rạn nứt là điều có thể thấy. Từ trước tới nay, Nga - một trong 5 nước thường trực HĐBA - đã được xem là chỗ dựa vững của Tehran. Iran vẫn coi Nga là "tấm lá chắn lớn", giúp nước này tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây. Bởi vậy, những căng thẳng vừa qua đã đẩy chính quyền của Tổng thống M. Ahmadinejad vào thế bí. Thêm vào đó, quan hệ giữa Tehran và các nước phương Tây, đứng đầu là Washington vẫn chưa hết căng thẳng. Trong một động thái mới, ngày 21-9, phát biểu trước báo giới Mỹ bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thống M. Ahmadinejad cảnh báo nếu Mỹ khởi xướng một cuộc chiến tranh với nước Cộng hòa Hồi giáo này thì đó sẽ là một cuộc chiến "không có giới hạn" và nêu rõ, các lệnh trừng phạt của LHQ áp đặt đối với Iran đã triệt tiêu những cơ hội cải thiện quan hệ giữa Tehran và Washington. Trước đó, hồi trung tuần tháng 9-2010, các phái viên của Mỹ, Anh, Pháp đã hối thúc LHQ lập ủy ban trừng phạt Iran...
Trong hoàn cảnh hiện nay, dư luận cho rằng, khó có thể tìm được giải pháp khai thông thế bế tắc của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại quốc gia Hồi giáo này. Nỗ lực của Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) đưa ra trong tuyên bố cuối cùng của cuộc họp diễn ra bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ, ngày 22-9, rằng, mong muốn "nhanh chóng đạt được một giải pháp thông qua thương lượng" cho tình trạng bế tắc hiện nay, dư luận chưa nhìn thấy hy vọng ở kết quả tích cực. Cho dù, Tổng thống M. Ahmadinejad tuyên bố sẵn sàng sớm nối lại thương lượng và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Ramin Mehmanparast nêu rõ, Tehran có thể mở lại các cuộc thương lượng với nhóm P5+1 trong một tương lai gần, nhưng trước hết để đạt được những tiến triển, các bên cần xây dựng một lòng tin. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều đó xem ra thật khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.