Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị tại Syria: Hy vọng mới

Trung Hiếu| 04/04/2012 07:16

(HNM) -Hy vọng vừa mở ra trước cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Syria. Theo Phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, ngày 2-4, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhất trí với thời hạn chót (10-4 tới), để thực hiện kế hoạch hòa bình do nhà hòa giải K.Annan đề xuất.

Một phần của kế hoạch là việc ngừng hoàn toàn chiến sự trong 48 tiếng để viện trợ nhân đạo, các cuộc tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng được thực thi; trả tự do cho những người bị bắt trong cuộc xung đột; đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập. Ngày 2-4, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã gửi cho ông K.Annan thư cam kết rằng, binh sĩ Chính phủ sẽ bắt đầu rút quân khỏi các vùng chiến sự và thực hiện các biện pháp hòa bình khác "ngay lập tức"; đồng thời sẽ hoàn tất quá trình này vào ngày 10-4. Theo đó, Damascus sẽ ngừng điều động quân đội, rút vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố và bắt đầu rút binh sĩ...

Mong ước một nền hòa bình, sự ổn định là khao khát của tất cả người dân Syria.


Trong bối cảnh hiện nay, đây là tín hiệu khai thông bế tắc rõ ràng nhất kể từ khi Syria rơi vào khủng hoảng. Dư luận khu vực cho rằng, kế hoạch mà ông K.Annan đề xuất nhận được sự tán đồng của Damascus mà cốt lõi nhất chính là việc không kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Đây được xem là điểm khác biệt hoàn toàn so với các yêu cầu trước đó của giới chức phương Tây luôn khăng khăng đòi Tổng thống đương nhiệm Syria từ chức. Theo ông K.Annan, chỉ người dân Syria mới có thể quyết định số phận Tổng thống Bashar al-Assad. Vấn đề hiện nay là các bên đối lập phải ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. Đó sẽ là "chìa khóa dẫn tới hòa bình" không chỉ với nhân dân Syria mà còn với toàn khu vực. Do đó, phải ghi nhận rằng, kế hoạch của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhận được phản ứng tích cực từ Damascus. Rõ ràng, hy vọng về một nền hòa bình, sự ổn định đang là khát khao của mọi người dân Syria. Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy sự khốc liệt của xung đột, tổn thất mà người dân nước này đang phải đối mặt. Đến nay, hơn 9.000 người Syria đã thiệt mạng vì bạo lực, làn sóng tỵ nạn vẫn đang không ngừng đổ về biên giới các quốc gia láng giềng; đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn từ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đến các loại thuốc men, điều trị y tế...

Tuy nhiên, cái "gật đầu" của Damascus liệu có giảm sức nóng khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thách thức phía trước mà ông K.Annan đang cố vượt qua là không đơn giản. Bởi từ lâu, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad luôn là "cái gai" trong mắt của giới chức phương Tây. Thêm nữa, vị trí đặc biệt gần "rốn dầu" thế giới của quốc gia này ngày càng lộ rõ vai trò địa - chính trị trong bối cảnh hiện nay khi giá nhiên liệu đang làm đảo lộn đời sống của người dân tại nhiều quốc gia nhập khẩu dầu mỏ. Do vậy, việc giới chức phương Tây từ bỏ quyết tâm đang theo đuổi tại Syria thật không dễ dàng. Sự thật là ngay sau khi Damascus đồng ý đề xuất của ông K.Annan, Mỹ và các nước phương Tây đã bày tỏ thái độ nghi ngờ. Do vậy, có thể hiểu sự "tích cực" mà Washington ủng hộ hội nghị "Những người bạn của Syria" diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 1-4 vừa qua. Hội nghị mà Nga cho rằng, nội dung của nó đi ngược với mục tiêu chính là tìm một giải pháp hòa bình, chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hối thúc các nước tham dự siết chặt trừng phạt Syria và buộc chính quyền Damascus phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khu vực cho hay, nhóm "Những người bạn ở Syria" đang khuyến khích nguyên tắc độc quyền và âm mưu phá hoại sứ mệnh hòa bình của đặc phái viên K.Annan; đồng thời hứa hẹn trả lương cho binh sĩ tham gia đội quân đối lập. Việc các binh sĩ đối lập sẽ được nhận lương từ các nước ủng hộ được xem là hành động hủy hoại nỗ lực hòa giải đang diễn ra của ông K.Annan.

Đã quá rõ những khó khăn trong cuộc tìm kiếm hòa bình tại Syria của cựu Tổng Thư ký LHQ K.Annan. Tuy nhiên, cùng với ông K.Annan, hai cường quốc Nga, Trung Quốc vẫn đang dồn nỗ lực cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cũng bày tỏ ủng hộ hạn chót để Damascus thực hiện kế hoạch hòa bình của ông K.Annan. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cảnh báo mọi âm mưu lật đổ chính quyền đương nhiệm Syria bằng vũ lực sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong khu vực. Chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria vẫn còn vô vàn khó khăn; nhưng, với những gì đang diễn ra người ta có lý do để hy vọng nền hòa bình tại đất nước này có thể sớm được vãn hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Syria: Hy vọng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.