Thế giới

Khủng hoảng chính trị tại Bangladesh: Mầm mống từ nhiều bất ổn

Quỳnh Dương 07/08/2024 - 06:44

Sau 15 năm liên tục cầm quyền, nữ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã phải từ chức, rời bỏ đất nước khi cuộc khủng hoảng chính trị lên tới đỉnh điểm.

Nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ làn sóng biểu tình do sinh viên tổ chức kéo dài từ tháng trước nhằm phản đối hạn ngạch ưu tiên của chính phủ trong một số việc làm công. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ nhiều mầm mống bất ổn hình thành trong nhiều thập kỷ qua.

bangladesh.jpg
Làn sóng biểu tình của sinh viên Bangladesh vẫn chưa lắng dịu. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh khôi phục hạn ngạch dành riêng tới 30% việc làm của chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập của đất nước khỏi Pakistan năm 1971. Hệ thống hạn ngạch được thiết lập bởi Thủ tướng lúc bấy giờ là Sheikh Mujibur Rahman, cha của Thủ tướng Sheikh Hasina, như một biện pháp để ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, hậu duệ của những cựu chiến binh đấu tranh giành tự do chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 0,12% đến 0,2% dân số Bangladesh), việc duy trì hạn ngạch gây ra nhiều bất cập và thiếu công bằng. Bất bình đối với vấn đề này đã âm ỉ từ lâu, đặc biệt là khi đất nước này phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và lạm phát tăng cao khiến cuộc sống của người dân ngày càng eo hẹp.

Sau các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 2018, hệ thống hạn ngạch nói trên đã bị bãi bỏ. Nhưng đầu tháng 6 vừa qua, khi Tòa án Tối cao quyết định khôi phục lại hệ thống này đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình. Trước tình trạng căng thẳng leo thang thành xung đột bạo lực giữa sinh viên và lực lượng an ninh trên khắp cả nước, Tòa án Tối cao Bangladesh đã giảm hạn ngạch xuống còn 5%. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của người dân không hề giảm bớt. Cộng đồng người Bangladesh ở Australia, Anh, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Mỹ, Qatar và tiểu bang Tây Bengal của Ấn Độ cũng tiến hành biểu tình để ủng hộ sinh viên trong nước.

Theo nhận định của các nhà phân tích, làn sóng bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Bangladesh phản ánh sự bất mãn lan rộng khi tình trạng tuyệt vọng kinh tế gia tăng, tham nhũng tràn lan và mất bình đẳng trong nhiều khía cạnh.

Bangladesh từng đạt được những bước tiến kinh tế ấn tượng, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khoảng 6,6% trong thập kỷ qua. Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp dệt may. Đây là ngành công nghiệp chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 11,8% vào năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2022 và đất nước này dự kiến sẽ thoát khỏi diện "quốc gia kém phát triển nhất" theo đánh giá của Liên hợp quốc vào năm 2026. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, phần lớn lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ đến với những người theo đảng Awami League cầm quyền. Những chính sách không hợp lý đã khiến nền kinh tế đi xuống trong vòng 2 năm qua. Giá cả trung bình tăng vọt lên gần 2 con số (9,73%) trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 7. Đây là mức cao nhất 12 năm qua, phản ánh tình trạng thu nhập thực tế liên tục bị xói mòn và mức sống của người dân ngày càng giảm sút.

Theo Ngân hàng Thế giới, cứ 8 thanh niên có độ tuổi từ 15 đến 29 thì có 1 người thất nghiệp. Theo ước tính, có khoảng 18 triệu người trẻ ở Bangladesh đang tìm việc. Sinh viên tốt nghiệp đại học phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với những người ít bằng cấp hơn.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina liên tục phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về tham nhũng, quan liêu trong ngành tư pháp, lực lượng vũ trang và các vị trí cấp cao khác. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, năm 2023, Bangladesh nằm trong danh sách 10 quốc gia được đánh giá có tình trạng tham nhũng nhất thế giới.

Thông tin mới cập nhật, dù Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước, song Bangladesh vẫn chìm trong hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo sinh viên biểu tình đã yêu cầu giải tán Quốc hội ngay lập tức và cảnh báo về hậu quả nếu thời hạn đưa ra không được đáp ứng. Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zaman đã gặp các nhà lãnh đạo sinh viên để thảo luận về việc thành lập chính phủ lâm thời và dự kiến sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian sớm nhất. Tổng thống nước này Mohammed Shahabuddin đã ra lệnh trả tự do cho hàng nghìn sinh viên biểu tình bị bắt giữ. Ông cũng có kế hoạch gặp Tướng Waker-Uz-Zamam và các chính trị gia đối lập để trao đổi yêu cầu của sinh viên về việc giải tán Quốc hội cũng như các đề xuất nhân sự cho nội các lâm thời.

Người dân Bangladesh hy vọng, cuộc khủng hoảng chính trị sẽ nhanh chóng kết thúc và đất nước sẽ bước sang một giai đoạn mới ổn định hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Bangladesh: Mầm mống từ nhiều bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.