(HNMCT) - Tôi đã đọc hai tập trường ca “Phía sau mặt trời” (2014), “Gió thổi miền ký ức" (2020) của Trần Thế Tuyển. Cả hai đều có cốt truyện, cao trào đậm nét sử thi, vì thế mà tôi càng háo hức đón đợi tập trường ca “Mẹ”.
Nếu như hai trường ca trước ký thác về chiến tranh với nhân vật chính là tác giả hóa thân, thì lần này, trong trường ca “Mẹ”, Trần Thế Tuyển lấy thực tại ngay trong ngôi nhà mình, ngôi làng mình để kể về chiến tranh và Mẹ là nhân vật chính.
Chỉ với bốn câu mở đầu chương Một: “Mẹ không tin vào đôi mắt/ Cuối đường làng có người lính bước nhanh/ Từ khi kết thúc chiến tranh/ Đã có bao nhiêu hình ảnh ấy”, tôi đã có cảm giác bị cuốn hút. Từ những câu thơ đầu tiên ấy hiện lên hình ảnh sống động xen lẫn sự khắc khoải, chất chứa nỗi niềm.
Tác giả dành nguyên chương Một để khái quát nỗi đau và tấm lòng của Mẹ, khi tiễn hai núm ruột vào chiến trường. Từng đào hầm che chở cán bộ nên Mẹ hiểu được chiến tranh khốc liệt nhường nào. Trong suốt 7 chương của trường ca, 7 lần xuất hiện tên người cán bộ mà gia đình Mẹ từng nuôi giấu và đã hy sinh, khắc họa thêm sự thảm khốc của chiến tranh. Và, cũng không phải ngẫu nhiên mà câu dân ca "thân lươn bao quản lấm đầu" được lặp lại tới 4 lần. Phải chăng đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc - về hào khí, niềm tin của nhân dân ta trong một giai đoạn lịch sử hào hùng. Thế nên mới có những câu thơ tả thực đến cháy lòng: “Một nhà có thư, suốt cả canh thâu/ Mọi người đến hỏi thăm, chia sẻ/ Một nhà nhận tin xót đau/ Cả làng khăn tang, dâu bể”; “Ngày với đất, đêm đêm với đất/ Hạt thóc, con gà gửi chiến trường xa...”.
Chiến tranh, mất mát là điều khó tránh khỏi, như tác giả đúc kết: “Chiến tranh là hiện tượng bất thường/ Ai đã từng qua/ Sẽ thấm hiểu màu tang tóc”. Nỗi đau của Mẹ cũng là nỗi đau chung của các bà mẹ, là khởi nguồn để tác giả ký thác cụ thể: “Ngôi làng dọc bờ sông, trằn trọc/ Đã bao đêm mòn mỏi đợi con về/.../ Những bà Hạo, bà Chi, bà Hỗ, bà Hòe/ Những anh Chiễu, anh Khơi, anh Sắc.../ Các anh không về”.
Để trường ca “có da có thịt”, có mạch truyện đúng chất sử thi, Trần Thế Tuyển khéo léo kết nối các chương hồi bằng việc lật giở từng trang đời của Mẹ: “Ông ngoại làm quan, bát ngát đất cày/ Mà mẹ không có được một ngày/ Đóng vai ái nữ”. Vì chiến tranh chia cắt, ông ngoại từ quan nên: “Mẹ lang thang/ Từ đất cảng vào Thanh Hóa/ Cuộc kháng chiến gian nan, trường kỳ/ Mẹ như cánh bèo dạt trôi/ Nay ở Quảng Xương, Núi Gôi/ Mai về Hoa Lư, Yên Khánh...”. Mẹ lấy chồng, về làm dâu: “Túp lều, vách đất, gió thênh/ Lá chuối khô, gối nệm rơm/ Thêm đứa con riêng của chồng, ba tuổi”. Đất nước có chiến tranh, Mẹ cũng như bao người phụ nữ khác lấy chồng theo lý tưởng, chẳng cần biết “người ấy” giàu hay nghèo, trai tân hay đã một đời vợ. Mẹ lần lượt hạ sinh 7 người con, rồi lần lượt: “Thằng Ớt chiến trường xa/ Thằng Cay đi học nghề/ Cũng theo bạn viết đơn nhập ngũ...”.
Chiến tranh, mất mát không chừa một ai, bất kể vùng miền. Tuy nhiên, cái khéo của Trần Thế Tuyển ở chỗ từ nỗi đau riêng của gia đình, quê hương, tác giả đã lồng ghép thành nỗi đau chung của dân tộc. Tập trường ca dần vươn xa khỏi mục đích dành tặng mẹ mình; tác giả muốn dành tặng tất cả các bà mẹ, các gia đình Việt Nam đã hy sinh một phần máu thịt cho đất nước. Những câu thơ như lưỡi cưa cứa vào tâm can người đọc, khắc họa đức hy sinh của Mẹ, thấu cảm với những người vợ vò võ đợi chồng. Đó cũng là cách để Trần Thế Tuyển đắp “da thịt” cho trường ca thành bức tranh toàn cảnh về một thời kỳ đất nước chia cắt: “Chỉ thương những người con gái héo hon/ Làm vợ một đêm rồi mỏi mòn chờ đợi/ Tháng rộng, năm dài, vời vợi/ Nhớ mong/.../ Cô bạn gái lặng im như cái bóng/ Ngày quần quật, đêm đêm trông ngóng...”.
Trong hai tập trường ca trước, Trần Thế Tuyển huy động tổng lực sự trải nghiệm để lột tả nỗi đau của những bà mẹ, người vợ, những mối tình dang dở. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ lột tả sự mất mát khủng khiếp của chiến tranh. Bằng trường ca “Mẹ”, ông dụng công tập trung vốn sống đặng góp phần xây dựng nên tượng đài về Mẹ - những người mẹ, người vợ đã hiến dâng những người con, người chồng thân yêu cho đất nước: “Trong đó có thằng Ớt, thằng Cay/ Và bạn bè nơi ngôi làng dọc bờ sông huyền thoại/ Mỗi gia đình không trai, thì gái/ Đã hiến dâng cho đất nước những đứa con”.
Những câu thơ bi mà không lụy là khởi nguồn cho sự sống. Đó là tổng thể khúc vĩ thanh về Mẹ. Chắc chắn, tập trường ca sẽ có sức lan tỏa trong dòng chảy văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.