Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khúc tráng ca lặng lẽ

Biển Hồ| 24/12/2014 07:29

(HNM) - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân giới thiệu cuốn sách

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh



Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh năm 1927 tại xã Bình Phú Tây (nay là xã Tây Phú), huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cũng như bao bạn bè cùng lứa sinh vào thời nước mất, Nguyễn Nam Khánh đã từng sống cuộc sống nghèo khổ và cũng chỉ được học hết một năm trung học. Trở thành một công nhân dệt của Hãng dệt Đờ-li-nhông, người thanh niên yêu nước đã chứng kiến sự áp bức bóc lột khủng khiếp của thực dân Pháp đối với người dân Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc trong ông trỗi dậy để rồi một ngày, khi gặp ánh sáng chân lý rọi tới, ông đã quyết định đi theo cách mạng.

Nhớ đến tỉ mỉ từng chi tiết, từng sự kiện trong quãng đầu đời phơi phới của mình, gần hai chục trang sách được ông dành để tái hiện hoạt động của Việt Minh tại vùng đất Liên khu 5, trong đó có hình ảnh người Bí thư Ủy ban vận động Việt Minh huyện Bình Khê Võ Xán với bài học khởi nghĩa đã ngấm vào huyết quản ông, tiếp cho ông sức mạnh để thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên của một tuyên truyền viên cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công như tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên yêu nước. Trong cuốn sách này, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nhắc đến hình ảnh những chuyến tàu hối hả ngày đêm đưa các đoàn quân Nam tiến hát vang lời hát: "Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam...". Cuộc đời ông cũng giống như một chuyến tàu mà chặng đường đầu tiên cho đến 1945 mới là dừng ở ga đầu tiên và ông đã toại nguyện khi tiếp tục trở thành một "hành khách đặc biệt' trên chặng tiếp theo của chuyến tàu này... Gần 500 trang sách trong phần I - hồi ức - lần lượt đưa người đọc đến với những địa danh cách mạng trên chiến trường Khu 5, là nơi người lính Nguyễn Nam Khánh đã cùng đồng đội chiến đấu...

Trong khuôn khổ bài viết này, không thể kể hết ra đây chi tiết, sự kiện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, hay những trận đánh ông đã trải qua, những công việc ông đã làm. Người viết chỉ có thể thống kê những mốc thời gian trọng đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông được thể hiện trong cuốn sách. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã trải qua nhiều cương vị, từ chiến sĩ đến cán bộ trung đội, đại đội trưởng... Ông từng nắm các chức vụ Chính ủy Lữ đoàn 305, Phó Chính ủy Sư đoàn 304... rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, Phó Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Có một điều không phải người đọc nào cũng nhận ra, đó là, mặc dù nắm giữ nhiều trọng trách nhưng trong hồi ức của mình, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh thường lặng lẽ "giấu mình", đề cao đồng đội. Ông tỉ mỉ ghi lại quá trình diễn ra chiến dịch, các trận đánh, từ lúc lập kế hoạch đến diễn biến và kết thúc, rút ra kinh nghiệm, những bài học nghệ thuật quân sự quý giá. Ít khi gặp trong hồi ức của ông những trang viết ủy mị, bịn rịn, sự đề cao cá nhân. Chính vì vậy, khi bắt gặp những dòng hồi ức về gia đình, về vợ, về mẹ, về những người dân Khu 5 anh dũng và đặc biệt là giây phút xúc động khi ông được gặp Bác Hồ…, người đọc cảm nhận được ẩn sau những trang viết kìm nén kia là nỗi niềm rưng rưng của một vị tướng. Có thể nói hồi ức của ông là hồi ức về Khu 5 những ngày kháng chiến, là cuốn lịch sử viết từ trái tim của một người con - một nhân chứng được sinh ra và chiến đấu trên chính mảnh đất của mình. Và nếu ai đó muốn tìm những dòng tư liệu quý giá về đất và người Khu 5, hãy tìm đến Hồi ức của ông.

Bên cạnh những dòng nghĩa tình của vị tướng còn có những trang viết của đồng đội nhớ về ông với sự nghiệp chính trị - quân sự in đậm dấu ấn của ông. Những tình cảm này đã được gói trong phần II của cuốn sách, thể hiện qua những bài viết với cách gợi nhắc về ông đầy khâm phục và trìu mến: "Người vệ quốc kiên trung", "Vị tướng lừng danh", hay "Người đặt viên gạch đầu tiên cho tờ Văn hiến Việt Nam"...

Để khép lại bài viết này, xin trích đăng lời của Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, như một nén tâm nhang nhớ về Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: "Vĩnh biệt anh Nam Khánh (...). Bạn không bao giờ mất, bạn vẫn còn trong tâm trí của chúng tôi (...), trong sự nghiệp của quân và dân ta".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khúc tráng ca lặng lẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.