(HNM) - Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu nước, yêu con người, về sự cao thượng tỏa sáng bên trên những âm mưu, thủ đoạn hèn hạ, vừa tiếp tục vang lên trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội.
Chào xuân Quý Tỵ, Nhà hát kịch Hà Nội sắp công diễn vở "Hòn đảo thần vệ nữ" của tác giả Hy Lạp Pax-nix do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng.
"Hòn đảo thần vệ nữ" xoay quanh một cuộc trao đổi tù binh. Nhà khoa học trẻ của gia đình Paterson quyền quý đến từ Anh quốc bị bắt làm con tin nhằm đòi chuộc lại Lam Brini - thủ lĩnh quân du kích của những người dân đảo Síp - đảo quốc phía đông Địa Trung Hải, nơi đang trỗi dậy làn sóng đấu tranh đòi tự chủ. Một trí thức trẻ đầy hoài bão và khát vọng cống hiến, đổi lấy một thủ lĩnh quả cảm, linh hồn của phong trào khởi nghĩa. Liệu cuộc trao đổi này có diễn ra hay cả hai đều phải chết?
Cảnh trong vở “Hòn đảo thần vệ nữ”. |
Nhà cầm quyền không thể thả tên tù binh vô cùng nguy hiểm mà trong mắt họ có giá trị bằng một đạo quân. Còn gia đình Paterson cùng những người thân làm sao có thể hy sinh đứa con, người anh, người bạn yêu thương của mình? Trong lo lắng, bấn loạn, trong sự hốt hoảng, tức giận, trên những bước sải của thời gian càng lúc càng gần đến giờ hẹn, mọi thứ dần bộc lộ: Mưu mô thủ đoạn; sự vụ lợi, tráo trở đằng sau ánh sáng quyền quý, danh vọng; tình bạn chân thành; ý thức phản kháng chiến tranh phi nghĩa, phản đối nhà cầm quyền đen tối; tình yêu trong sáng, sẵn sàng hy sinh vì mạng sống người mình yêu.
Kịch bản hay làm bệ phóng cho dàn dựng và diễn xuất. Bám theo sự dồn nén của mạch chảy câu chuyện, mỗi nhân vật dần bộc lộ rõ con người mình. Càng lúc không khí càng hồi hộp, dồn dập hơn, đạo diễn tạo điều kiện cho mỗi nhân vật đều có phần đất của mình, hoặc nhiều hoặc ít nhưng đủ để thể hiện. Nổi bật là hình ảnh hai bà mẹ của hai tù binh trong những thời điểm hệ trọng với những cách ứng xử trái ngược. Bà Paterson (qua diễn xuất của NSND Minh Hòa) quyền quý, danh giá nhưng cũng đầy tráo trở và đầy mưu mô. NSƯT Thu Hà thủ vai người mẹ thủ lĩnh Lam Brini, thể hiện sắc nét hình tượng người phụ nữ của đảo quốc lâu đời, một người mẹ thống khổ, nhân từ và đầy kiêu hãnh.
Xoay quanh câu chuyện trao đổi tù binh, vở diễn tạo nên những không gian có tính đại diện và tầm khái quát. Nếu như ở "bên A" - phía những người của giới cầm quyền và quân đội, của gia đình nhà khoa học trẻ, người ta thấy cả một xã hội thu nhỏ với đủ những cao thượng và thấp hèn, trong sáng và đen tối thì ở phía "bên B" - bên lực lượng khởi nghĩa, khán giả lại chứng kiến tình mẫu tử cao thượng tuyệt vời, tình đồng chí gắn bó, chung thủy và tình yêu nước, yêu quê hương tha thiết. Chính những đối sánh này đưa ra cái nhìn nghiêm khắc, phản đối trước chiến tranh phi nghĩa, trước sự thống trị, áp đặt giữa con người với con người, giữa một quốc gia hùng mạnh và giàu có lên một đảo quốc có bề dày lịch sử, văn hóa và luôn dồi dào niềm tự hào.
Mọi cố gắng đều bất lực, không ai cứu được người thủ lĩnh để đổi lấy nhà khoa học trẻ. Người thủ lĩnh sau đó bị hành hình, nhưng nhà khoa học vẫn được tự do. Vở kịch kết lại trong không khí bi tráng, nhưng tình yêu và tinh thần cao thượng đã mở ra niềm tin, niềm hy vọng vào sự tốt đẹp của con người.
"Hòn đảo thần vệ nữ" từng được yêu mến trên sân khấu từ những năm 70. Trong bối cảnh các đơn vị sân khấu vẫn phải khó khăn tìm kịch bản hay thì việc khai thác mới hay dựng lại những kiệt tác, những vở diễn nổi tiếng, có giá trị lâu dài, như "Hòn đảo thần vệ nữ" của Nhà hát kịch Hà Nội, chắc chắn vẫn là lựa chọn hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.