(HNM) - Kể từ khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, “chảo lửa” Trung Đông không ngừng tăng nhiệt bởi các động thái đáp trả của các bên liên quan.
Một trong những hệ quả mới nhất của tình trạng chực chờ bờ vực chiến tranh nói trên là vụ Iran bắn nhầm máy bay chở khách thuộc Hãng hàng không quốc tế Ukraine khiến 176 người thiệt mạng. Thảm họa này không chỉ mang đến nỗi đau tột cùng cho gia đình các nạn nhân, khiến dư luận thế giới bàng hoàng mà còn có thể đẩy trạng thái đối đầu trong khu vực leo lên nấc thang nguy hiểm mới.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko cho biết, 5 quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ chiếc máy bay bị Iran bắn hạ trên sẽ gặp nhau ở London vào ngày 16-1 để họp bàn về hành động pháp lý đối với Iran. Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Ukraine cho biết, sẽ tiến hành điều tra theo hướng đây có thể là "một vụ bắn hạ máy bay và giết người có chủ ý", thay vì một vụ tai nạn do vi phạm quy định an toàn bay.
Lời giải thích từ chỉ huy Lực lượng Phòng không không quân Iran Amir Ali Hajizadeh cho rằng, máy bay của Ukraine đã hướng về phía một căn cứ quân sự và bị nhầm thành một tên lửa hành trình. Thế nhưng, hệ thống theo dõi FlightRadar24 của chiếc Boeing 737-800 cho thấy, máy bay này đang bay theo lộ trình bình thường. Ít nhất 2 máy bay khác đã khởi hành sáng 8-1 với lộ trình tương tự như máy bay của Ukraine và có cả một số máy bay khác bay ở gần đó.
Chuyên gia về công nghệ quân sự tại Viện Royal United Services Institute của Anh nhận định: "Thậm chí cả khi không có cảnh báo trực tiếp về chiếc máy bay này, thì đội ngũ vận hành tên lửa đất đối không lẽ ra có thể dễ dàng phân biệt được sự khác nhau giữa một máy bay dân sự với một tên lửa hành trình của Mỹ”.
Theo các nhà phân tích, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran vẫn nhận được ủng hộ của nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, vụ bắn nhầm máy bay có thể là nguyên nhân khiến cho sự hậu thuẫn dành cho quốc gia Hồi giáo này giảm sút đáng kể.
Lịch sử cho thấy, sự đối nghịch lẫn nhau đã dẫn tới những sai lầm không thể đau đớn hơn. Năm 1988, Hải quân Mỹ từng có vụ bắn nhầm tương tự vào máy bay của Hãng hàng không Iran làm toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng. Năm 2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia đã bị bắn rơi trên bầu trời khu vực miền Đông Ukraine do các nhóm ly khai kiểm soát, khi đang trên đường đi từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Ai có thể chắc chắn, những vụ việc tương tự sẽ không còn xảy ra nếu xung đột không được hóa giải.
Khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran xung quanh việc Lầu Năm Góc hạ sát tướng Qassem Soleimani còn chưa lắng xuống, vụ bắn nhầm máy bay có thể khiến tình hình rối ren ở Trung Đông càng thêm phức tạp khi xuất hiện thêm nhiều bên tham gia vào khu vực. Nói một cách cụ thể hơn, quan hệ thù nghịch Mỹ - Iran đang có những thay đổi theo chiều hướng khó lường.
Trong bối cảnh sức ép của Mỹ và các đồng minh lên Iran gia tăng, các nhóm vũ trang ủng hộ Tehran sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công lính Mỹ ở Afghanistan và Syria, trong khi phiến quân Houthi có khả năng tăng cường tấn công ở Yemen. Vấn đề hạt nhân Iran sẽ ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát.
Dù chưa phải là chiến tranh, nhưng với những gì đang xảy ra, Trung Đông sẽ khó có hòa bình trong những ngày sắp tới. Khi căng thẳng Mỹ - Iran tiếp diễn, những “đốm lửa” khác đang chờ bùng phát như mâu thuẫn Israel - Palestine, nội chiến ở Libya... sẽ lại càng khó có thể giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.