Giao thông

Khu vực Đông Nam Bộ: Mong các dự án giao thông không còn trễ hẹn

An Tôn 04/07/2023 - 09:17

Cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp xe chở hàng xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long không phải đi xuyên qua nội thành thành phố Hồ Chí Minh. Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành giúp vận chuyển hành khách đi, đến sân bay mới. Nhưng các dự án này vẫn đang “đứng hình”.

a139a.jpg
Cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp xe từ Tây Nam Bộ qua Đông Nam Bộ mà không phải đi qua trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Cao tốc dang dở

Dẫn chúng tôi đi dọc theo nền đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), ông Trương Công Mỹ, ngụ tại hẻm 18 đường Rừng Sác, nói: “Đường đắp nền xong để đó; cầu xây trụ nhưng chưa bắc nhịp. Dự án lớn này từng được thi công rầm rộ, nhưng nhiều năm qua đã không hoạt động, chưa rõ ngày xong”.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành từ tỉnh Long An đi qua phía Nam thành phố Hồ Chí Minh nối đến tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài 57,8km. Theo thiết kế, đường có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120km/h; tổng mức đầu tư hơn 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước.

a144.jpeg
Nhiều đoạn dự án thi công dở dang.

Dự án được khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019, kỳ vọng nối thông Tây và Đông Nam Bộ, tạo đường mới thẳng đến sân bay Long Thành mà không phải qua thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ năm 2018, khi đã xong 82% khối lượng xây lắp, toàn tuyến dừng thi công.

Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho biết, nguyên nhân dừng dự án là do VEC chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên không còn là bên được giao vốn triển khai dự án.

a143.jpg
Cầu Bình Khánh chưa hẹn ngày hợp long.

Theo tìm hiểu của phóng viên, VEC là mô hình doanh nghiệp thí điểm được Bộ GTVT thành lập năm 2004, đi vay vốn để xây dựng đường cao tốc và thu phí đường hoàn vốn. Tuy nhiên, do suất đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, mọi dự án do VEC đầu tư giải ngân từ năm 2013 đến nay đều chưa được Quốc hội thông qua quyết toán. Từ năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 tạm ngưng giao vốn vay nước ngoài cho VEC.

Để hoàn thành dự án, VEC đề xuất tiếp tục được giao vốn đối ứng của Việt Nam và được sử dụng hơn 10.000 tỷ đồng tiền thu phí từ các dự án cao tốc khác nhưng chưa đến kỳ trả nợ để thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vốn đối ứng chỉ có thể giao cho Bộ GTVT. Còn hơn 10.000 tỷ đồng kia không thuộc VEC, nên doanh nghiệp này không có quyền sử dụng.

a145.jpg
Những đoạn đường chờ vốn để hoàn thiện.

Về phần mình, Chính phủ đã nỗ lực đàm phán với JICA để gia hạn nguồn vốn vay đến hết năm 2023. Nhờ đó, một số gói thầu phía Đông dự án (trên địa phận tỉnh Đồng Nai) đã được thi công trở lại. Phần còn lại, bao gồm 2 cây cầu lớn, vẫn đang chờ vốn hoàn thiện.

Đường sắt chưa thành hình

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) - Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2021, nằm trong Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được ưu tiên xây dựng trong giai đoạn 2021-2030.

a150.jpg
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dự kiến chạy bên phải cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Toàn tuyến dài 37,5km, ray khổ đôi 1.435mm. Trên tuyến có 20 ga, nối trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành. Dự án chạy dọc cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, có tổng vốn đầu tư dự kiến 40.500 tỷ đồng. Hiện quỹ đất dọc tuyến đã có với mặt cắt ngang từ 114-160m, chỉ chờ được xây dựng.

Theo Bộ GTVT, tuyến có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên vùng. Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn nghiên cứu toàn diện, hoàn thành báo cáo tiền khả thi trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2024.

a153.jpg
Ga đầu mối Thủ Thiêm vẫn đang nằm trên tấm biển báo đất dự án.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất rộng hơn 14ha được quy hoạch làm Ga Thủ Thiêm từ năm 2013 đến nay vẫn là bãi đất trũng ngập nước. Đây là nhà ga đầu mối cho các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; tuyến metro số 2 và tuyến xe buýt nhanh BRT số 1. Nhưng đến giữa năm 2023, chưa hạng mục nào rõ hình hài.

Trong văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) hồi tháng 3-2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Ga Thủ Thiêm là ga đầu mối. Vì vậy, thành phố sẽ triển khai các dự án xung quanh theo định hướng TOD. Thành phố rất cần xác định hướng, tuyến của các tuyến đường sắt trong tương lai với đầy đủ các “điểm khống chế” cùng các tài liệu kỹ thuật khác liên quan, mới có thể quy hoạch, sử dụng và quản lý quỹ đất.

Còn cử tri tỉnh Đồng Nai cũng đã gửi kiến nghị Bộ GTVT sớm đẩy nhanh tiến độ dự án để góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, vốn đang thiếu và yếu.

a151.jpg
Phối cảnh tuyến đường sắt từ Thủ Thiêm đến nhà ga sân bay Long Thành.

Mới đây nhất, giữa tháng 6-2023, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành; đến năm 2030, sẽ đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với hoàn thành giai đoạn 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hy vọng một lần nữa được thắp lên với chính quyền và người dân Đông Nam Bộ. Mong rằng lần này, các dự án không còn trễ hẹn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Đông Nam Bộ: Mong các dự án giao thông không còn trễ hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.