Đời sống

Khu tập thể Dệt 8/3 ngày ấy - bây giờ

Phạm Kim Thanh 20/12/2024 - 06:25

Mùa thu năm 1964, lũ trẻ chúng tôi ở khu tập thể 8/3 lon ton vào lớp mẫu giáo được ít buổi thì phải đi sơ tán.

Suốt bốn năm học cấp 1 ở quê ngoại, tôi vẫn nhớ căng tin giáp với đầu hồi nhà A7 bán đủ thức quà sáng. Gói xôi đỗ xanh nóng hổi mà bà nội mua cho cả nhà ăn sáng chỉ có giá 2 xu...

det-8-3.jpg
Một góc khu tập thể 8/3. Ảnh: Internet

Khi ấy, ba dãy nhà ba tầng, theo thứ tự A1 - A2 - A3 giáp làng Quỳnh và chùa Quỳnh. Đường nội khu rộng rãi chạy giữa, bên kia đường là các tòa A4 - A5 - A6 tạo thành chỉnh thể đẹp trên đồng đất xưa của làng Quỳnh. Riêng dãy nhà A7 còn lợp gianh. Ngoài ra, trong khu có các bể nước công cộng to và sâu ở sân nhà A2, A3, có thể mang quần áo, chiếu, vỏ chăn đến giặt; lại có nhà tắm công cộng của nam giới ở đầu nhà A5. Khu vệ sinh công cộng là một dãy nhà ngói giáp lối ra làng Quỳnh.

Đời sống công nhân được chăm lo chu đáo. Sân khấu nổi dành cho các hoạt động văn nghệ toàn khu bố trí trước nhà A6. Năm 1965, trường mầm non chính thức được thành lập với 6 nhóm trẻ và 8 lớp mẫu giáo. Mô hình chung của các khu tập thể trong nội thành như Kim Liên, Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Dệt 8/3, Cao - Xà - Lá... những năm 1960 - 1965 đều như vậy vì đáp ứng như cầu sinh hoạt mang tính cộng đồng của cán bộ, công nhân, viên chức.

Năm 1968, Mỹ ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, nhưng phải đến cuối xuân năm 1970, cán bộ, công nhân viên đã sơ tán ra ba cơ sở tại làng Cổ Nhuế, làng Láng, Tập thể văn công Tổng cục chính trị (Mai Dịch) mới được về khu tập thể, nhận nhà mới xây. Phong cảnh khu tập thể có nhiều thay đổi, vừa quen, vừa lạ so với năm 1964. Nối tiếp 6 dãy nhà A khang trang là khu nhà lá, một số dãy nhà đã được lợp ngói, còn lại, đa số lợp giấy dầu lúp xúp. Hiện đại nhất khu là bốn tòa nhà khu D. Các tòa đều cao 4 tầng, có sân thượng và khác hẳn kiến trúc khu A. Mỗi tòa có hai cầu thang, mỗi cầu thang có 8 phòng (không khép kín). Hai gia đình chung nhau một ngăn bếp, bốn gia đình chung nhau dãy nhà tắm và vệ sinh, giặt giũ.

Trạm lọc nước của toàn khu tập thể ở ngay sau nhà D4, hằng ngày bơm thứ nước nồng mùi ô xít sắt theo giờ quy định cho các khu A, C, D và nhà lá. Đó là chưa kể vòi nước công cộng ở đầu các nhà tầng. Cảnh xếp hàng rồng rắn xô, thùng và cãi nhau chí chóe của lũ trẻ thì khu tập thể nào cũng có. Độ 10h đêm, nơi đó trở thành chỗ để hội con trai con gái đã “ra dáng”, vừa xếp hàng lấy nước vừa tán gẫu chuyện ở trường lớp và khu tập thể...

Trường mầm non cũng được xây sửa khang trang hơn. Căng tin ở đầu nhà A7, từ năm 1970 thành nơi bán rau, hoa quả, sau đó lại có thêm quầy bán chất đốt (dầu hỏa). Đầu nhà A1 mọc lên dãy cửa hàng thực phẩm bán thịt, đậu, nước mắm theo ô phiếu. Tháng 4-1972, chúng tôi một lần nữa rời xa khu tập thể. Còn nhớ, tháng 12-1972, khi nghe bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ” trên loa truyền thanh, tôi đã bật khóc và liều mạng đạp xe từ quê ra thăm mẹ rồi lại vội vã quay về ngay trong ngày. Đến mùa xuân năm 1973, trở lại khu, tất cả vẫn đùm bọc nhau, hàn gắn những thương đau khi nhà A4 và A5 bị trúng bom Mỹ, người còn, người mất. Bữa cơm của nhà tôi và nhà bác Sách chung nồi xoong với nhau, nhiều khi chỉ có mì sợi Hải Châu nấu cà chua suông nhưng vẫn ngon.

Và rồi, lời ca tiếng hát lại cất lên vui tươi trên sân khấu nổi của khu. Lũ tôi kéo nhau đi nghe “giọng ca vàng” của khu tập thể là cô Lan Nơ hát và chú Võ Tòng - cây độc tấu nổi tiếng khắp khu phố Hai Bà Trưng. Còn Lưu Hà lớp tôi thường lên sóng đài phát thanh của khu hát những bài hát thiếu niên, chất giọng khỏe khoắn, vui tươi. Vui nhất vẫn là những buổi kéo nhau đi xem phim của đội chiếu bóng lưu động. Những bộ phim như “mở” ra chân trời mới có “Ruslan và Lyudmila”, “Cánh buồm đỏ thắm”, hay “Sao tháng Tám”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”... được chiếu trên những khoảng sân rộng cho hàng trăm người xem.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1978, khu tập thể có thêm 4 tòa nhà khu E xây 4 tầng cạnh khu D, nằm ven sông Kim Ngưu. Khu nhà lá lụp xụp được cải tạo dần thành nhà hai tầng lợp ngói. Đến những năm 1990, một số dãy nhà lá được giải tỏa để thành phố xây nhà lắp ghép như tòa E5, C8. Đồng thời, nhiều tòa nhà lắp ghép được xây trên đất Thanh Nhàn, sát với khu C của khu tập thể 8/3.

Từ 1965 đến nay, các tòa nhà khu A, D, E đều đã xuống cấp, hư hại nặng. Các bạn tôi trong khu tập thể, học với nhau từ thuở cấp 1 và 2, rồi đi bộ đội ở các chiến trường miền Nam, miền Bắc, Lào, Biên giới phía Bắc... sau hơn 40 năm gặp lại, tóc đã điểm bạc. Khu tập thể như người mẹ gồng gánh cho gia đình từ thuở xuân sắc đến lúc già nua, vẫn nhẫn nại che mưa nắng cho thế hệ con cháu những người thợ dệt năm xưa và cả người tứ xứ mưu sinh ở chốn thị thành.
Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Ước một ngày, khu tập thể 8/3 sẽ “thay da đổi thịt”, để những người thợ dệt nay đã vào độ tuổi 80 - 90 có thể yên tâm vui sống, ngày ngày kể chuyện cổ tích cho cháu chắt nghe về những năm tháng oanh liệt góp phần làm nên trang sử Thủ đô anh hùng trong 12 ngày đêm năm 1972 quân dân Hà Nội làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu tập thể Dệt 8/3 ngày ấy - bây giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.