(HNMO) - Sáng 14-6, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội (ĐBQH).
Với 2 chức năng chính là công tố và kiểm soát, trong đó bao gồm cả công tác điều tra, truy tố, xét xử và tiền án, nhiều câu hỏi liên quan đến các vụ án oan sai, số lượng án treo ở mức cao và công tác thi hành án kéo dài làm ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật đã được các ĐBQH thẳng thắng chất vấn người đứng đầu ngành kiểm sát.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Án kinh tế xử nhẹ, dư luận hoài nghi
Cùng với sự phát triển của đất nước, các vụ án kinh tế đang có chiều hướng gia tăng về số lượng, nhiều vụ có quy mô lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Tuy nhiên theo ĐB Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh), thời gian qua, quần chúng và dư luận cho rằng, việc xử lý các vụ án có liên quan đến pháp luật kinh tế, chức vụ chưa tốt từ khâu điều tra xét xử, xử án treo nhiều dẫn đến hoài nghi dư luận về tính nghiêm minh pháp luật. Vậy thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ có giải pháp gì để xử lý nghiêm các vụ án kinh tế?
Đồng tình đánh giá ĐB, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) Nguyễn Hòa Bình cho rằng, các vụ án kinh tế hiện phát sinh với số lượng nhiều và nhiều vụ xử án treo đã tạo ra dư luận về việc chúng ta chưa quyết tâm chống tham nhung và tội phạm kinh tế. Trên thực tế, với các vụ án kinh tế, số án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác bình quân là 21. Tuy nhiên có 2 phần cần phải làm rõ. Đối với án kinh tế, theo quy định khi xử lý phải chú trọng thu hồi tài sản chiếm dụng trái phép và xử phạt nghiêm minh. Khi đã thực hiện tịch thu tiền, tài sản và không đặt mục đích phạt tù.
Các vụ xử treo trên thực tế đều chấp hành đúng quy định của pháp luật, một số vụ có kháng nghị trong kỳ là 39 trường hợp, qua cấp trên xem xét còn tồn đọng 26 trường hợp. Giải pháp mà Viện trưởng Viện KSND đưa ra là giám sát chặt chẽ quá trình nghiên cứu cáo trạng. Đối với các vụ tham nhũng cấp dưới đề nghị án treo, theo quy định, nếu có 2 tình tiết nhân thân tốt và phạm tội lần đầu thì được giảm nhẹ nhưng với án tham nhũng không được xem xét.
Liên quan đến câu hỏi của ĐB về chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử còn yếu kém, ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, đây là vấn đề đặt ra từ lâu với ngành KSND. Hiện còn xảy ra tình trạng kiểm sát viên (KSV) tranh tụng chưa xắc xảo. Giải pháp duy nhất hiện nay là nỗ lực đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nghiệp vụ, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức của KSV đồng thời cùng với tòa án tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm để các KSV cùng tham gia. “Thực tế cho thấy, môi trường tranh tụng của chúng ta hiện hạn chế. Số vụ án dân sự có sự tham gia của luật sư chỉ 21%. 80% còn lại không có môi trường tranh tụng theo số liệu của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên trong 21% có sự tham gia của luật sư thì có 50% là luật sư chỉ định còn lại là luật sư của gia đình. Với các vụ án có luật sư chỉ định, sự đầu tư của luật sư cho vụ việc cũng hạn chế nên tranh tụng không nhiều. Giải pháp trước mắt là phối hợp liên đoàn luật sư và công an để tham gia từ đầu để tạo môi trường tranh tụng minh bạch, chất lượng.
Xử đúng tội, không oan, không lọt
Trước tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp trong khi việc xử lý còn nhiều bất cập, nhiều vụ án xử oan sai, ĐB Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi, số thống kê hàng năm về tội phạm có phản ánh đúng tình hình tội phạm diễn ra trên thực tế không? Bởi trên thực tế, các vụ tham nhũng thực tế rất nhiều nhưng báo cáo lại ít và số cán bộ bị kỷ luật cũng không đáng kể. Vậy ngành tư pháp có giải pháp nào khắc phục?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, chức năng thống kê tội phạm Viện KSND chỉ được giao thêm, và Viện chỉ thống kê các vụ đã nằm trong quá trình giải quyết, khởi tố, truy tố và thi hành án. Mảng tội phạm ẩn như tham nhũng, chạy án không thuộc phạm vi của Viện KSND mà thuộc phạm vi nghiên cứu tội phạm học của các nhà khoa học. Trên cơ sở thống kê tội phạm sẽ có đánh giá tội phạm và tội phạm ẩn, đây là giải pháp về sau. Tuy nhiên Viện trưởng Viện KSND cũng khẳng định, nhiều kết luận về án dân sự hình sự phải chỉnh sửa là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Giải pháp của ngành là sẽ nâng cao hơn chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp, bám sát quá trình điều tra, kịp thời ra kháng nghị, kiến nghị bảm đảm chất lượng xét xử ngay từ cấp thấp, sơ thẩm đúng người đúng tội, không oan, không lọt.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu câu hỏi, gần đây tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều vụ xử đi xử lại vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Với trách nhiệm của mình, Viện trưởng có giải pháp gì để giữ gìn kỷ cương phép nước?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, án trả đi trả lại có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan song một phần là do chất lượng điều tra, xét xử, truy tố chưa cao. Với những vụ án kéo dài quá mức, ngành đã chỉ đạo hạn chế án kéo dài song luật hiện hành có quy định là chỉ khống chế chặt chẽ thời gian ở giai đoạn khởi tố, còn ở giai đoạn xét xử lại không quy định rõ khiến nhiều vụ án kéo dài. Tới đây, khi sửa luật sẽ kiến nghị bổ sung, sửa đổi vấn đề này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.