(HNM) - Thỏa thuận tiền hôn nhân, hạ độ tuổi kết hôn… là những vấn đề Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến nhân dân và các bộ, ngành. Theo dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính thức của Quốc hội khóa XIII năm 2013.
16 hay 18 tuổi được kết hôn?
Trong các vấn đề nêu ra, quy định về tuổi kết hôn hiện gây tranh cãi, với nhiều ý kiến: hoặc giữ nguyên quy định hiện hành (nữ 18 tuổi trở lên và nam đủ 20 tuổi trở lên được phép kết hôn), hoặc hạ tuổi kết hôn xuống 2 tuổi (nữ từ 16, nam từ 18), hoặc tăng tuổi theo cách tính nữ từ đủ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên.
Nhiều địa phương, đặc biệt vùng miền núi thường kết hôn sớm hơn so với luật định. Ảnh: Phương Thanh
"Tôi hoàn toàn ủng hộ với việc hạ độ tuổi kết hôn cho nữ xuống 16 và nam xuống 18 tuổi" - Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra quan điểm. Theo ông Dương Kim Sơn, thực tiễn Việt Nam hiện nay, độ tuổi kết hôn như quy định hiện hành không phù hợp với nhiều địa phương, vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Ở những khu vực này, 14-15 tuổi các em đã về ở với nhau, sinh con đẻ cái. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc thì vô hình trung luật thiếu tính ứng dụng. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi, dù thuận tình hay không đều bị xem là vi phạm, nên dẫn đến không ít trường hợp trớ trêu người chồng phải vào tù do "cưỡng hiếp" hoặc "yêu" vợ, không được công nhận hôn nhân dù họ đang chung sống với nhau hạnh phúc.
Ngay tại cuộc họp Ban soạn thảo dự luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, cũng có ý kiến ủng hộ quan điểm của luật sư Dương Kim Sơn. Bởi tâm sinh lý của giới trẻ hiện nay có nhiều thay đổi. Tuổi dậy thì của các thiếu nữ sớm hơn nhiều so với trước đây. Không ít em gái mới 12, 13 tuổi nhưng cơ thể đã phát triển giống như những người 20 tuổi và họ cũng yêu từ rất sớm. Đã xuất hiện nhiều đôi "cảm" nhau, muốn về sống chung nhưng do người con gái chưa đủ 18 tuổi nên đã "chạy chọt" để cải giấy khai sinh hoặc chấp nhận chung sống không hôn thú. Và hậu quả là khi có mâu thuẫn xảy ra, hoặc muốn ly hôn, người vợ không được bảo vệ bằng các quy định về hôn nhân gia đình, dẫn đến thiệt thòi cả vật chất và tinh thần.
Không ủng hộ mô hình gia đình trẻ con
Mặc dù vậy, ở góc độ dân số, theo bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, việc tảo hôn, sinh con trước tuổi 18, ngoài việc sức khỏe của mẹ và bé không bảo đảm, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi.
Trên phương diện khác, ông Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Tân Trí Việt cho rằng, tuổi 16 vẫn nằm trong giai đoạn chưa phát triển hoàn thiện. Việc tiếp nhận khối lượng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống của lứa tuổi này chưa đầy đủ. Khi bước vào hôn nhân, nguy cơ đổ vỡ rất cao. Nếu hạ độ tuổi kết hôn, sẽ không chắc chắn đem lại một kết quả tốt.
Đánh giá tính ứng dụng và độ mâu thuẫn của các văn bản hiện hành về chủ trương trên, luật sư Trương Văn Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) còn cho rằng, nên tăng tuổi kết hôn từ đủ 18 tuổi với nữ, từ 20 tuổi với nam. Nguyên do, quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình hiện hành thiếu bài bản đang cho phép nữ từ 18 tuổi đã được kết hôn, trong khi pháp luật nói chung lại quy định người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người chưa đủ tháng để tròn 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Dẫn đến, khi những người thuộc diện này muốn ly hôn, hay tham gia các giao dịch dân sự lại cần có người giám hộ. Thực tế hiện nay, không ít vụ xin ly hôn bị "treo" do người vợ thiếu tuổi. Luật sư Hải cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần chỉnh theo hướng tăng tuổi kết hôn với nữ từ đủ 18 tuổi trở lên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, việc phân chia tài sản riêng trước và trong hôn nhân, dù đã có quy định nhưng cơ chế hiện thực hóa mới chỉ đề cập đến vấn đề đất đai. Còn các hàng hóa khác như chứng khoán, đồ đạc trong doanh nghiệp thì luật chưa đề cập rõ, dẫn tới khó khăn trong công tác xét xử. Việc mang thai hộ, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ xử lý như thế nào cũng chưa được làm rõ. Trong khi đó, tình trạng này đang xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội Việt Nam. Đây là một bất cập mà khi tiến hành sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ Tư pháp cần phải dự trù phương án để trình Quốc hội cho ý kiến quyết định vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tới đây, nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự cũng như tính đồng bộ, phù hợp của luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.