(HNM) - Sáng 7-5, Bộ Nội vụ tổ chức gặp mặt báo chí thường kỳ. Nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề đang được quan tâm như: Kết quả kỳ sát hạch tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2015;
Không phải cứ tốt nghiệp nước ngoài về đều giỏi!
Vấn đề được đại diện các cơ quan báo chí quan tâm đầu tiên là kết quả kỳ sát hạch tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2015. Trước câu hỏi: "Thứ trưởng bình luận gì trước kết quả 30/63 người trượt sát hạch, trong số đó có người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài?", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết: "Tôi đã trao đổi với Hà Nội và nhận được trả lời: Những người chưa được tuyển dụng đợt này là do chưa đáp ứng yêu cầu công việc".
Thứ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định: Không nên phân biệt cứ tốt nghiệp ở nước ngoài về là rất giỏi, còn đào tạo trong nước thì không giỏi. Vì khi đã tốt nghiệp ở trình độ đại học thì nên nhìn nhận công bằng. Tương tự là trong tuyển dụng hiện nay, pháp luật quy định không phân biệt bằng tốt nghiệp tại chức và chính quy. "Qua kiểm tra sau khi báo chí nêu, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi, nghe Sở Nội vụ Hà Nội báo cáo. Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cũng đã kiểm tra cho thấy, kỳ sát hạch vừa qua TP Hà Nội làm đúng các quy định về trình tự thủ tục, thực hiện theo nguyên tắc công bằng, khách quan" - Thứ trưởng Trần Văn Tuấn nói.
Trước một số ý kiến bình luận trên mạng xã hội bày tỏ không đồng tình với kết quả tuyển dụng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Việc tuyển dụng không qua thi là chính sách để thu hút những người có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, tức là phải phù hợp với công việc ấy, phù hợp với lĩnh vực được đào tạo, lĩnh vực công tác. Mặc dù tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng không phù hợp với môi trường công tác, lĩnh vực công tác, ngành nghề đào tạo thì không thể phát huy được hết khả năng...
Thứ trưởng Trần Văn Tuấn cũng cho biết: Các bộ, ngành, địa phương đều triển khai tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, trong đó có hoạt động tuyển dụng không qua thi và đều làm đúng quy trình. Nếu có sai phạm Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm làm rõ đúng - sai trong quá trình thực hiện thẩm quyền được phân cho các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, giúp các bộ, ngành, địa phương tổ chức việc tuyển dụng công chức qua thi cũng như không qua thi bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Về cơ bản, Bộ Nội vụ ủng hộ việc thu gọn các ban chỉ đạo. Trong việc thi tuyển CCVC, Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đổi mới công tác thi tuyển theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, bảo đảm nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch trong tuyển dụng. |
Tinh giản 10% biên chế là khả thi
Một nội dung nữa được quan tâm có liên quan đến Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Rất nhiều băn khoăn được các nhà báo nêu ra như: Tỷ lệ đặt ra là từ nay đến năm 2021 giảm 10% CBCCVC liệu có khả thi khi mà nhiều năm thực hiện tinh giản nhưng vẫn là con số âm? Tiêu chí nào để tinh giản đúng người?...
Giải đáp nội dung này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ ) Thái Quang Toản khẳng định: "Việc khó nhất trong tinh giản biên chế trước đây là chưa rõ chỉ tiêu nên bây giờ đưa chỉ tiêu vào để có mục tiêu phấn đấu. Chỉ tiêu 10% CBCCVC tinh giản là tối thiểu trong cả giai đoạn 7 năm thực hiện (2015-2021). Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự trang trải phấn đấu đưa thêm 10% biên chế nữa sẽ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Thứ trưởng Trần Văn Tuấn cho rằng, việc đặt ra tỷ lệ tinh giản đó là mục tiêu để phấn đấu. Dư luận xã hội nói rằng, có 30% công chức không làm được việc, còn các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Nội vụ đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Đó là mâu thuẫn. Vì thế, trong Nghị định 39 đặt ra mốc tinh giản tối thiểu là 10% trở lên.
Phân tích những hạn chế của Nghị định 132 về tinh giản biên chế trước đây là giảm bao nhiêu lại lấy vào bấy nhiêu, Thứ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định đợt tinh giản biên chế lần này đã đặt ra nhiều giải pháp để bảo đảm tính khả thi. Hiểu đơn giản là: Cứ đưa 2 người ra khỏi đội ngũ CBCCVC thì chỉ lấy vào 1 người, chắc chắn sẽ đạt được chỉ tiêu. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố để tinh giản biên chế thành công là: Trách nhiệm của người đứng đầu gắn với mục tiêu tinh giản biên chế; các đơn vị không thực hiện được tỷ lệ tinh giản biên chế thì không giao biên chế mà phải tự điều hòa trong đơn vị mình. Đặc biệt là sắp tới sẽ có nghị định về đánh giá phân loại CBCC, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí để phân loại CBCC. Đó chính là công cụ cho người đứng đầu đánh giá CBCC thuộc thẩm quyền quản lý của mình, phân biệt rõ người làm tốt, tận tụy, trách nhiệm và người lười biếng, không hoàn thành nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.