(HNM) - Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc và xác định, Ban giám hiệu (BGH) cũ Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh (CĐ SKĐA) TP Hồ Chí Minh (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh - ĐH SKĐA) đã lấy danh nghĩa giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, giáo viên (CBGV) để xin dự án rồi lén bán đất nền ra thị trường.
Dự án đã bị đình chỉ nhưng người có trách nhiệm vẫn đứng ngoài vòng pháp luật còn khoản tiền đã nộp của CBGV thì... "bặt vô âm tín".
Lợi dụng danh nghĩa cán bộ, giáo viên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, Thanh tra TP Hồ Chí Minh vào cuộc và đã có kết luận chính thức về vấn đề này. Theo đó, với danh nghĩa nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho CBGV, từ tháng 11-2004, lãnh đạo Trường CĐ SKĐA đã xin mở rộng quy mô đầu tư dự án (DA) cơ sở II từ 9,7ha lên 20ha và đến năm 2006 chính thức tách DA khu nhà ở CBGV rộng gần 7ha thành dự án riêng biệt. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6-2003, những người có trách nhiệm Trường CĐ SKĐA đã tự tiện bán đất nền cho mọi đối tượng dưới danh nghĩa góp vốn, chứ không chỉ cho riêng CBGV. Tính đến tháng 8-2004, Trường CĐ SKĐA đã bán đất nền dưới danh nghĩa góp vốn dự án cho 258 người, đa phần là người ngoài.
Theo thanh tra, việc Trường CĐ SKĐA xin mở rộng quy mô đầu tư, lập DA đầu tư xây dựng (ĐTXD) khu nhà ở CBGV thực chất không nhằm mục đích để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho CBGV. Số tiền bán đất nền là hơn 42 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân ông Hà Quang Văn, Hiệu trưởng (lúc đó) và Giám đốc Công ty Tân Phú Thủy (đơn vị được trường ký hợp đồng tư vấn, quản lý dự án và các thủ tục liên quan). Số tiền này mang đi thanh toán cho các đơn vị, cá nhân bằng các phiếu chi mang danh nghĩa Ban quản lý (BQL) DA mà không có sự giám sát của BQLDA và Trường CĐ SKĐA. Ngoài ra, ông Văn còn lấy nguồn thu góp vốn mở hai sổ tiết kiệm mang tên cá nhân để hưởng lãi gần 770 triệu đồng. Nhiều khoản chi không hợp lý, không đúng mục đích lên hơn 9,5 tỷ đồng; dùng tiền góp vốn mua ô tô đứng tên cá nhân... Với các sai phạm trên, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đề nghị ngừng triển khai dự án.
Tuy nhiên, kể từ khi có kết luận thanh tra đến nay đã hơn 8 năm (trong thời gian này ông Văn đã về hưu) nhưng 258 người góp vốn vào "dự án" vẫn chưa được giải quyết quyền lợi. Họ không nhận được đất nền, không nhận lại được tiền, trong khi đã bỏ ra 47 tỷ đồng cách đây 13 năm.
Nhởn nhơ và bất hợp tác
Ngày 15-8-2015, Bộ VH-TT &DL bổ nhiệm PGS.TS Vũ Ngọc Thanh làm Hiệu trưởng. Trước bức xúc tố cáo của CBGV, ngày 21-10-2015, nhà trường đã thành lập Ban khắc phục hậu quả để triển khai, giải quyết quyền lợi cho người góp vốn. Ngày 20-12-2015, Trường ĐH SKĐA đã tổ chức đối thoại giữa người góp vốn với BGH cũ để giải quyết những tồn tại. Theo biên bản kết luận buổi làm việc này, Ban khắc phục hậu quả có trách nhiệm và biện pháp thu hồi lại toàn bộ những tài liệu quan trọng của DA mà BGH cũ đang giữ và cho đối tác mượn gồm: Toàn bộ sổ đỏ của người dân tại phường Long Thạch Mỹ đã nhận tiền đền bù nộp cho nhà trường; toàn bộ hợp đồng, biên bản nhận tiền đền bù giải tỏa của người dân; biên bản xác nhận tổng diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng... Các yêu cầu trên phải được thực hiện trước ngày 26-12-2015.
Sau buổi đối thoại, BGH mới đã nhiều lần yêu cầu "người cũ" bàn giao tài liệu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tài liệu bàn giao nào. Trước sự bất hợp tác của ông Hà Quang Văn, Trường ĐH SKĐA đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của thành phố, báo cáo vụ việc và đề nghị phối hợp cùng trường để xử lý vụ việc. Ngày 28-12-2015, Trường ĐH SKĐA đã có Văn bản số 93/ĐHSK-ĐA gửi UBND Quận 9 và Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị ngăn chặn ngay việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc DA xây dựng khu nhà ở CBGV và DA xây dựng Cơ sở II của Trường ĐH SKĐA đối với ông Hà Quang Văn, bà Phan Thị Bích Hà, bà Đỗ Thị Thùy Dung, ông Trương Ngọc Thục và một số cá nhân, tổ chức khác đã lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất có liên quan đến DA này... Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn "nguyễn y vân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.