Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể tiếp tục chậm trễ

Hương Ly| 21/02/2017 07:23

(HNM) - 16 tổng công ty lớn trực thuộc Bộ Xây dựng, với số vốn nhà nước đang nắm giữ rất lớn sẽ được sắp xếp, tái cơ cấu ngay trong giai đoạn 2016-2020.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng phải đẩy nhanh tái cơ cấu, rà soát, đốc thúc các doanh nghiệp (DN) đã cổ phần hóa (CPH) niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, đồng thời sắp xếp lại nhân sự, rà soát tài sản, đất đai để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người lao động.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, cơ quan này đang quản lý 16 tổng công ty xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, với số vốn nhà nước nắm giữ rất lớn, bao gồm: DIC, Sông Hồng, Bạch Đằng, VIGLACERA, VIWASEEN, Xây dựng Hà Nội, LICOGI, LILAMA, CC1, FICO, VNCC, COMA, HUD, Sông Đà, IDICO và VICEM. Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DN Vương Đình Huệ với lãnh đạo các bộ, ngành về phương án sắp xếp lại các DN nhà nước mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thẳng thắn cho rằng, việc tái cơ cấu DN nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2011-2015 tiến độ còn chậm, chưa nâng cao được sức cạnh tranh của DN, tỷ lệ vốn nhà nước tại DN còn nhiều.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đề xuất giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước như hiện tại ở LICOGI và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ quý I-2017. Nhóm 5 tổng công ty gồm LILAMA, VICEM, Sông Đà, VIGLACERA, HUD, do nắm giữ khối tài sản lớn hoặc đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia, nên sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020. Từ năm 2021 sẽ thoái vốn tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Nhóm 10 tổng công ty - công ty cổ phần còn lại cần thời gian hoàn tất công tác CPH, quyết toán vốn nhà nước, sẽ thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ và chuyển giao về SCIC trong các năm 2018-2019.

Phân tích về việc CPH các DN nhà nước lớn diễn ra còn chậm, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, không ít đề án tái cơ cấu DN nhà nước đã được đặt ra, Quốc hội phê duyệt nhưng kết quả của đề án thì vẫn chung chung, chứ không đi vào thực chất.

Liên quan tới việc đẩy nhanh tiến trình CPH các DN do Bộ Xây dựng quản lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu, Bộ Xây dựng hoàn thiện lộ trình thoái vốn và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN đầy đủ và đúng theo chủ trương của Chính phủ. Đối với 10 tổng công ty, công ty cổ phần, Bộ Xây dựng phải bán hết vốn nhà nước vào năm 2018. Những DN còn giữ 36% vốn nhà nước thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng vừa diễn ra, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại 6 yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung: Tỷ lệ các DN trong ngành Xây dựng sau CPH niêm yết trên thị trường chứng khoán và tỷ lệ bán vốn sau niêm yết rất thấp. Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, sự chậm trễ có nguyên nhân chủ quan từ tinh thần, thái độ của công chức chưa tốt. Tới đây, Bộ sẽ “nói đi đôi với làm", nếu đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở mà không chuyển thì phải xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể tiếp tục chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.