(HNM) - Kể từ khi tái đắc cử, năm 2012 đến nay, hiếm có chuyến công du nước ngoài nào của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại dày đặc lịch trình như lần này. Kéo dài suốt một tuần từ ngày 1 đến 7-5, nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc thực hiện hành trình tới một loạt quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) gồm: Italia, Pháp, Bỉ, Đức, Anh và nước Nga.
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (trái) hai nhà lãnh đạo Châu Âu là Donald Tusk (giữa) và Jean-Claude Juncker họp báo sau hội đàm. |
Trọng tâm của chuyến công du này là kiếm tìm sự đồng thuận cũng như thiết lập nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) - Nhật Bản đăng cai tổ chức vào cuối tháng này - cũng như việc giải quyết tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ dai dẳng nhiều thập kỷ qua với Mátxcơva.
Sau khi thăm Italia và Pháp, trong chặng dừng chân tại Bỉ, Thủ tướng S.Abe đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Charles Michel.
Điểm nhấn tại Brussels là sự kiện hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập đối thoại song phương về chống khủng bố trong năm 2016. Theo thỏa thuận, Tokyo tăng cường hợp tác với Brussels và Bỉ sẽ bảo đảm an toàn cho công dân và các công ty của Nhật Bản hoạt động tại nước này. Làm thế nào để giải quyết những thách thức an ninh trong bối cảnh nguy cơ tấn công khủng bố ngày một tăng. Sự phối hợp giữa các nước trong cuộc chiến chống khủng bố cũng là chủ đề ưu tiên trong nghị trình của Thủ tướng Nhật Bản.
Thủ tướng S.Abe cũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk. Một trong những nội dung được hai bên quan tâm là các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Nhật Bản. Cho rằng còn nhiều việc phải hoàn tất, Chủ tịch EC nhấn mạnh, Hiệp định sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại Châu Âu cũng như Nhật Bản; đồng thời gửi đi tín hiệu tích cực cho thế giới. Trên thực tế, EU và Nhật Bản đã khởi động đàm phán FTA từ tháng 3-2013; trong đó, vòng đàm phán 16 mới nhất diễn ra tháng trước tại Nhật Bản. Nhưng, hai bên vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua để có thể sớm đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Một trong những ưu tiên quan trọng trong chuyến công du của Thủ tướng S.Abe là cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản sẽ đến thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga vào ngày 6-5 tới. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ là tâm điểm thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Nhiều năm qua quan hệ Nga - Nhật Bản bị phủ bóng đen bởi tranh chấp quần đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril; song, Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ở ngoài khơi Hokkaido. Tranh cãi này đã ngăn cản Tokyo và Mátxcơva ký Hiệp ước Hòa bình suốt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay. Năm 2013, Thủ tướng S.Abe và Tổng thống V.Putin đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận với cả hai nước. Vì thế, Nhật Bản hy vọng cuộc gặp Sochi sắp tới sẽ mở đường để Tổng thống Nga thăm Nhật Bản, chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ năm 2014, nhưng bị hoãn vì nhiều lý do.
Chuyến công du Cựu lục địa và nước Nga của nhà lãnh đạo S.Abe diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 do Tokyo đăng cai tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các nước: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Mỹ và nước chủ nhà. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một loạt thách thức an ninh khu vực cũng như xung đột tại nhiều điểm nóng trên thế giới vừa qua cho thấy vai trò của các nước Nhóm G7 là hết sức quan trọng. Trước đây, nhóm này có sự tham gia của Nga trong khuôn khổ G8, nhưng Nga đã bị loại khi Mátxcơva sáp nhập Crimea trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine.
Thủ tướng S.Abe, với tư cách nhà lãnh đạo nước Chủ tịch Nhóm G7 lại cho rằng, việc Nga trở lại Nhóm "thất hùng" là cần thiết. Sự can dự của Mátxcơva như đã thấy sẽ góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng ở nhiều điểm nóng trên thế giới. Đây cũng là lý do khiến Thủ tướng S.Abe thực hiện chuyến công du tới Nga ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7. Thủ tướng Nhật Bản muốn phát đi thông điệp rằng nước này sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế hàng đầu thế giới và không thể thiếu Nga trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.