(HNM) - Các chuyên gia khẳng định, muốn giảm TNGT không thể thiếu vai trò của CNTT, thậm chí CNTT còn có thể giúp kéo giảm sâu tới 50%.
Các chuyên gia khẳng định, muốn giảm TNGT không thể thiếu vai trò của CNTT, thậm chí CNTT còn có thể giúp kéo giảm sâu tới 50%.
Camera giám sát giao thông ở đường phố Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Hiệu quả từ việc thí điểm
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai ứng dụng CNTT vào công tác bảo đảm ATGT trên nhiều tuyến đường, nút giao thông. Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được thí điểm ứng dụng CNTT để phát hiện và xử lý vi phạm; hệ thống camera giám sát giao thông cũng được triển khai rộng rãi trên các tuyến cao tốc mới như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai… Nhiều tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn Thủ đô và một số địa phương khác cũng được lắp hệ thống camera giám sát giao thông và thí điểm "phạt nguội". Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, việc sử dụng thiết bị CNTT trên các tuyến đường đã giúp kiểm soát được tốc độ, hành trình phương tiện. CNTT đã đóng góp tích cực vào thành quả giảm số người tử vong vì TNGT trong năm 2014 xuống dưới 9.000 người.
Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm ATGT năm 2014 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT trên các lĩnh vực: Quản lý ATGT, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và xử lý, ứng phó sau tai nạn, quan tâm ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Qua đó nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông. Hiện thực hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng thời trên cơ sở ý kiến đề xuất của một số chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã chấp thuận việc xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; lập dự án thí điểm xã hội hóa đầu tư hệ thống CNTT trong giám sát, xử lý vi phạm trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm, trước hết là nghiên cứu khả năng triển khai tiếp dự án ứng dụng camera giám sát trong xử phạt vi phạm hành chính đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). Ủy ban ATGT quốc gia sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và Công ty cổ phần FPT nghiên cứu triển khai.
Có thể giảm tới 50%
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT cho rằng: Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa giao thông thông minh vào thực tiễn Việt Nam là rất quan trọng, không chỉ giúp giải quyết vấn đề TNGT mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian đi đường, hạn chế tiêu cực gây bức xúc cho cả lái xe và xã hội. Hơn nữa, nó nâng cao hiệu quả đầu tư vào hạ tầng quốc gia. Nếu ứng dụng triệt để CNTT vào công tác bảo đảm ATGT sẽ có thể kéo giảm được 50% số người chết do TNGT so với hiện nay và tăng khoảng 40% năng lực lưu thông của các phương tiện.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, kết quả thống kê cho thấy, có đến 75% số vụ TNGT hiện nay là do phóng nhanh vượt ẩu. Muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi mỗi người dân phải nghiêm túc thực thi pháp luật. Mà muốn tuân thủ pháp luật thì cách hợp lý nhất chính là cần có hệ thống thông tin, camera giám sát. Thực tế cho thấy, hơn 50.000 trường hợp vi phạm bị xử lý trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đều "tâm phục, khẩu phục" vì các thiết bị đã ghi nhận chính xác những vi phạm. Hay như việc lái xe chạy xe liên tục quá 4 giờ là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nhưng lại đang diễn ra khá phổ biến. Điều này cần phải có hệ thống thông tin để kiểm soát. Khi người tham gia giao thông ý thức được việc chắc chắn sẽ bị phát hiện, xử phạt thông qua các hình ảnh, thông tin ghi nhận từ hệ thống camera, tự khắc họ sẽ không dám vi phạm. Nếu làm tốt thì hoàn toàn có thể kéo giảm xuống tới 50% số vụ TNGT trong các năm tới, đó thực sự là con số có ý nghĩa rất lớn bởi tính mạng con người là quan trọng nhất. Ngoài ra, ứng dụng CNTT không chỉ phục vụ riêng cho bảo đảm tính mạng con người mà còn có thể cảnh báo về lưu lượng người tham gia trên các tuyến đường, nút giao thông nhằm giảm ùn tắc, qua đó nâng cao năng lực thông hành cho các công trình hạ tầng giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.