(HNM) - Việc sử dụng xe ô tô làm nhiệm vụ đưa đón học sinh ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng “chuẩn”, đem lại sự yên tâm cho gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Và thực tế đã từng xảy ra một số vụ tai nạn đối với loại hình này. Ngoài ra, đã có những phản ánh từ phía các phụ huynh học sinh về thái độ ứng xử chưa đúng mực của nhân viên phục vụ trên xe; lái xe cố tình phóng nhanh, vượt đèn đỏ...
Trên thực tế, loại hình xe đưa đón học sinh chủ yếu là do các trường tự tổ chức. Phụ huynh chỉ biết đóng tiền để nhà trường thuê xe hằng ngày đưa đón con em mình với hy vọng sẽ an toàn, thuận tiện hơn. Song, các nhà trường thì khó có thể phân biệt phương tiện nào bảo đảm chất lượng, mà chủ yếu căn cứ vào tem kiểm định dán trên kính xe và đánh giá bằng mắt thường xem xe còn mới hay cũ. Chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ đến đâu phụ thuộc vào sự nghiêm túc của đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển...
Có ý kiến cho rằng, hoạt động đưa đón học sinh phải chịu sự quản lý của ngành Giao thông - Vận tải, ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng như công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông. Dù đã có sự phân cấp quản lý, nhưng trên thực tế sự can thiệp của ngành Giáo dục và Đào tạo đối với hoạt động đưa đón học sinh là không nhiều nếu không muốn nói là còn buông lỏng.
Trong khi đó, lực lượng chức năng dường như cũng chưa quyết liệt trong xử lý các phương tiện vi phạm như với các loại hình vận tải hành khách khác. Do đó, cần phải phân định trách nhiệm quản lý cụ thể đối với từng ngành, từng đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đưa đón học sinh.
Phụ huynh và nhà trường cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện vi phạm thì thông báo cho chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng để can thiệp kịp thời, từ đó ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.