Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể nhập nhằng

Hồng Hà| 27/08/2012 07:10

(HNM) - Năm 2012, dự kiến cả nước sẽ chi 52.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh (KCB), 32.000 tỷ đồng trong số đó trích từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), 10.000 tỷ đồng từ viện phí và 10.000 tỷ đồng từ ngân sách.


Khi quỹ là "của chung"

Phát biểu với các chuyên gia về viện phí tại hội nghị thực hiện Luật BHYT và Luật KCB do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua, đại diện Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ thẳng thắn thừa nhận: "Bệnh nhân BHYT bị lạm dụng thuốc, kỹ thuật, dịch vụ nhiều hơn bệnh nhân đóng viện phí trực tiếp. Dường như ai cũng cho quỹ này là "của chung" và xà xẻo một chút thì cũng chẳng thiệt ai".


Thanh toán BHYT tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Huyền Linh

Trước đó, tại diễn đàn "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thuốc bán cho Quỹ BHYT đang có rất nhiều loại giá đối với cùng một loại thuốc. Có khi cùng là một loại thuốc, cùng một địa phương nhưng giá thuốc ở 2 bệnh viện chênh nhau tới 4-5 lần. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng đây là điều khó hiểu, chứng tỏ sự bất cập trong đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, nếu có sự ra tay của cơ quan chức năng trong việc tổ chức đấu thầu diện rộng thì giá thuốc bán cho BHYT có thể rẻ một nửa. "Tại sao Việt Nam lại tổ chức đấu thầu thuốc riêng lẻ từng bệnh viện, vai trò của Bộ Y tế ở đâu?"- nhiều ý kiến tại diễn đàn này tỏ ý băn khoăn.

Hiện tại, phí mua thẻ BHYT bằng 4,5% lương tối thiểu. Nhà nước đã bảo đảm cấp thẻ miễn phí cho 14,1 triệu người nghèo và trên 8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi, người có công. Từ năm nay, có khoảng 7 triệu người trong diện cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT (trước đó ngân sách chỉ hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ) nhưng nhóm này vẫn không mặn mà với BHYT. Đã nỗ lực vận động, thuyết phục, thậm chí có địa phương chi ngân sách hỗ trợ thêm để người cận nghèo được hỗ trợ đến 80-90% mệnh giá thẻ nhưng họ vẫn không mua, kết quả là cho đến nay mới chỉ có 255 người trong diện cận nghèo có BHYT. Khi viện phí tăng, đây chính là nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho rằng, người dân chưa mặn mà vì họ chưa tin cậy Quỹ BHYT. Khi chi phí KCB giữa người có và người không có thẻ BHYT không chênh lệch nhiều, dịch vụ KCB BHYT chưa thuận tiện thì sẽ có nhiều người không mua thẻ, chấp nhận rủi ro khi đau ốm. Viện phí tăng và dự kiến Quỹ BHYT chỉ trụ được trong năm 2012 và 2013, sau đó có thể sẽ phải tăng phí mua thẻ BHYT. Phí BHYT tăng, nếu quỹ tiếp tục hoạt động thiếu hiệu quả như hiện nay thì mục tiêu phấn đấu có 75% dân số tham gia BHYT vào năm 2015 rất khó trở thành hiện thực.

Bình mới, rượu cũng phải mới

Đấu thầu thuốc tập trung là phương án được nhiều người ủng hộ, nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Tại hội nghị của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, có ý kiến thẳng thắn cho rằng, chính vì hiện trạng "phết phẩy" cho ban chấm thầu của bệnh viện nên chẳng bệnh viện nào chịu nhả nhiệm vụ tổ chức đấu thầu thuốc, dù bệnh viện nào cũng kêu là tổ chức đấu thầu thuốc rất vất vả. Nếu tổ chức đấu thầu quốc gia, rõ ràng mua buôn thì giá phải thấp hơn mua lẻ, chi phí bao bì cũng sẽ giảm do nhà sản xuất có thể đóng loại hộp lớn để bán cho bệnh viện; tình trạng mỗi bệnh viện một giá thuốc cũng sẽ giảm theo. Tất nhiên, khi đó hội đồng chấm thầu quốc gia phải là một hội đồng minh bạch, để những "phết phẩy" không chạy từ bệnh viện sang hội đồng quốc gia như đã từng "chạy" vào ban bệ chấm thầu của bệnh viện. "Bình" mới thì "rượu" phải mới!

Ngoài ra, cần hạn chế tình trạng lạm dụng dịch vụ, lạm dụng kỹ thuật cao và thuốc tại bệnh viện. Gần đây, báo giới đã tìm thấy một đơn thuốc kê tới 19 loại thuốc. Cách kê đơn ấy rất nguy hiểm bởi dễ dẫn đến tình trạng thuốc nọ tương tác với thuốc kia hoặc gây độc cho bệnh nhân hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Khi được chất vấn về các dịch vụ y tế có sử dụng thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh, các thiết bị này là rất cần thiết. Khung viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành gần đây chưa tính khấu hao các thiết bị này nên người bệnh sử dụng dịch vụ có thiết bị xã hội hóa sẽ phải chi trả phí chênh lệch do giá xã hội hóa cao hơn giá trần trong khung đã ban hành. Tuy nhiên, tình trạng tăng cường chỉ định các dịch vụ có sử dụng thiết bị xã hội hóa để thu vốn nhanh trong bệnh viện công, nơi có tình trạng "nhập nhằng công tư" đang rất cần được xem xét thật công tâm, minh bạch và có hướng giải quyết phù hợp.

Nếu không, Quỹ BHYT do người dân đóng góp có thể "thủng" vì lợi ích của nhóm nhà đầu tư, trong khi chính các dịch vụ gây "thủng" quỹ lại không cần thiết cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể nhập nhằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.