Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể lãng phí mãi!

Nguyễn Hòa Bình| 31/07/2010 05:58

(HNM) - Nhiều năm qua, các hoạt động kỷ niệm, tổ chức đón nhận các danh hiệu… diễn ra ngày càng rầm rộ với mật độ ngày càng dày đặc.


Những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày sinh của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được tổ chức như một sự tri ân đối với cha ông, đất nước, để khơi dậy trong mỗi con người niềm tự hào, vinh dự cũng như sự nhắc nhở trách nhiệm của lớp người đi sau về truyền thống vẻ vang của dân tộc, về những giá trị văn hóa cao đẹp mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy. Đó là việc rất cần phải làm. Tuy nhiên, khá nhiều hoạt động kỷ niệm khác, một số cuộc tổ chức đón nhận danh hiệu ngày càng mang tính phô trương, không thiết thực và không tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng cứ xem trên các chương trình truyền hình từ trung ương đến địa phương, đọc trên các trang báo của tỉnh, thành phố đến các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội… hầu như không ngày nào thiếu vắng các hoạt động này. Tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể nào cũng cố gắng tổ chức để làm sao lễ kỷ niệm, đón nhận các danh hiệu của mình không thua kém đơn vị bạn, nên quy mô của các hoạt động ấy cứ được nâng dần lên từ cấp số cộng đến cấp số nhân.

Cờ, hoa, khẩu hiệu, dàn nhạc, ánh sáng, phục trang, rồi chiêu đãi, quà tặng… tính bình quân sơ bộ chắc cũng không thể dưới tiền tỷ cho mỗi cuộc tổ chức. Tất cả những chuyện ấy đã tạo ra sự lãng phí lớn về cả sức người lẫn tiền bạc.

Trước thực tế này, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45-CT/TƯ về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu và các hình thức khen thưởng cao; nhằm làm giảm tần suất, giảm quy mô, giảm cấp độ và giảm việc huy động quần chúng tham gia cũng như lượng khách mời dự các hoạt động này. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng nêu rõ các yêu cầu không tổ chức lễ trao tặng và đón nhận danh hiệu nhà nước riêng; không tổ chức diễu hành và đón rước rầm rộ; không tặng quà và chiêu đãi.

Các nội dung của chỉ thị chính là quyết tâm lớn của Đảng trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Dư luận quần chúng đón nhận tin này trong niềm vui và hy vọng. Tuy nhiên, để chỉ thị đi vào cuộc sống, trước hết các cấp lãnh đạo cần biết tự ghép mình vào tổ chức để nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trước yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Có như thế Chỉ thị của Đảng không chỉ được thực hiện một cách tự giác, nghiêm túc, mà từ đó chúng ta có ý thức hơn trong việc giảm dần các hoạt động lễ lạt, cũng như các loại danh hiệu đang vừa làm tiêu hao tiền bạc vừa gây bức xúc trong đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể lãng phí mãi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.