(HNM) - Hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả theo đúng kế hoạch thì các đơn vị cần thực hiện đầy đủ tất cả các nội dung đã được nêu trong Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Huyền Linh
Thực hiện Nghị định số 63, đến nay, 19/24 bộ, ngành đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để thực hiện đánh giá tác động và lấy ý kiến tham gia đối với dự án, dự thảo VBQPPL có quy định về TTHC. Từ đó, đã có 666 TTHC quy định tại 130 dự án, dự thảo VBQPPL được đánh giá tác động. Riêng Văn phòng Chính phủ đã nghiên cứu và tham gia ý kiến phản biện đối với các quy định TTHC được quy định tại 77 dự án, dự thảo VBQPPL. Các ý kiến phản biện của VPCP và văn phòng bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ các cơ quan chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về TTHC trong dự thảo VBQPPL. Qua đánh giá tác động và cho ý kiến, các bộ, ngành địa phương đã bãi bỏ 23 TTHC và sửa đổi, bổ sung hàng trăm bộ phận cấu thành của TTHC ngay trong dự thảo văn bản. Đặc biệt, việc ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2011 đã được 24/24 bộ thực hiện.
Để bảo đảm công khai, minh bạch các quy định hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác công bố, công khai TTHC mới được ban hành và có hiệu lực tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG). Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bộ, ngành chậm công bố, công khai TTHC. Bộ NN&PTNT mới chỉ ban hành 5 quyết định đối với 5 lĩnh vực lâm nghiệp; thủy lợi; KHCN và môi trường; chế biến, thương mại, nông - lâm - thủy sản và nghề muối; chăn nuôi. Song, các quyết định công bố này đều chậm so với quy định tại Nghị định 63/NĐ-CP và chưa có công văn đề nghị công khai trên CSDLQG. Tương tự, Bộ Xây dựng có một số VBQPPL đã có hiệu lực thi hành song TTHC và hồ sơ văn bản chưa được công bố, công khai theo quy định, cụ thể: Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1-1-2010; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị có hiệu lực từ ngày 25-5-2010. Tại hội nghị giao ban với các bộ, ngành về công tác kiểm soát TTHC do Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) tổ chức vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những vướng mắc trong quá trình triển khai cũng như những nguyên nhân làm chậm tiến độ công việc.
Ông Mai Thiện Thành, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm 2011, Phòng Kiểm soát TTHC của TP đã đi kiểm tra, hướng dẫn tại gần 60 đơn vị quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhận thức của cán bộ về vấn đề này đã được nâng lên nhiều và các kiến nghị của cơ sở đều hầu hết liên quan đến các bộ, ngành. VBQPPL hiện nay mới chỉ đề ra các cơ chế, chính sách chứ chưa nêu rõ trình tự, thủ tục, cách thức triển khai nên cán bộ địa phương không thực hiện được. Nguyên nhân là do tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vẫn còn tồn tại. Một vướng mắc nữa được ông Mai Thiện Thành nêu ra là việc chậm cập nhật, công bố, công khai TTHC của các bộ, ngành vào CSDLQG khiến các địa phương khó tiếp cận, khai thác thông tin. Đại diện Bộ KH-ĐT cũng cho biết, Bộ được giao thực thi đơn giản hóa 306 TTHC, trong đó có tới 40% thủ tục liên quan đến các luật, mà sửa luật phụ thuộc vào QH nên dù Bộ đã dự thảo thì mình bộ cũng không thực hiện được.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan: "Để công tác kiểm soát TTHC hiệu quả, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực thực hiện của tất cả các đơn vị. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết các vướng mắc, tích cực kiến nghị những điều chưa hợp lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục để được hướng dẫn kịp thời, triển khai đúng các nội dung của công tác kiểm soát TTHC".
Kiểm tra đột xuất công tác kiểm soát thủ tục hành chính |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.