(HNM) - Những sân khấu ca nhạc có sự tham gia biểu diễn của người khuyết tật lấy danh nghĩa hoạt động nhân đạo, từ thiện xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Hà Nội và ít nhiều ảnh hưởng tới trật tự giao thông, mỹ quan đô thị.
Xuất hiện tràn lan
Trong vai khán giả, phóng viên Báo Hànộimới đã trò chuyện với một số người khuyết tật (NKT) biểu diễn trên đường phố Hà Nội và nhận được câu trả lời chung là "do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên họ phải đi hát để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống". Khi phóng viên hỏi về mức thù lao và tên tổ chức, cá nhân mời NKT biểu diễn, tất cả đều tìm lý do từ chối. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, phông nền các sân khấu tuy có in rõ tên bảo trợ của một tổ chức nhân đạo, từ thiện nào đó, nhưng không hề có đại diện đơn vị bảo trợ tại điểm biểu diễn.
Biểu diễn nghệ thuật nhân đạo “Nối vòng tay nhân ái” chiều tối ngày 12-5 trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt |
Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT TP Hà Nội khẳng định, từ trước đến nay, Hội NKT từ thành phố đến cơ sở chưa bao giờ tổ chức cho hội viên biểu diễn nghệ thuật trên các sân khấu đường phố vào giờ tan tầm và cũng không liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa hội viên đi hát nhằm mục đích kiếm tiền. Do vậy, một số điểm biểu diễn trên vỉa hè, lòng đường ghi tên Hội NKT TP Hà Nội hay Hội NKT các quận, huyện, thị xã là không đúng.
Còn ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội rất bức xúc khi danh nghĩa Hội bị lợi dụng. “Hội Người mù không có chủ trương, không khuyến khích hội viên hát, bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường. Hoạt động này không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, làm mất an toàn giao thông, mà còn khiến một số người hiểu không đúng về các chính sách nhân đạo, từ thiện của Đảng, Nhà nước, rất cần được chấn chỉnh” - ông Lê Trung Quyết kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Trắc Lộc, Trưởng đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội) cho rằng: Các đoàn nghệ thuật nhân đạo có đủ tư cách pháp nhân thường biểu diễn ở nhà văn hóa, các điểm văn hóa công cộng được chính quyền địa phương cho phép. Sự xuất hiện tràn lan các điểm biểu diễn ca nhạc mang danh nhân đạo, từ thiện làm ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân văn của hoạt động này.
Giải quyết từ gốc
Những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm, động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho NKT được tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; đồng thời, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các hoạt động làm ảnh hưởng đến NKT và cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, ngày 27-4-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1988/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn thành phố. Thực hiện chủ trương này, lực lượng chức năng vừa tiến hành thanh, kiểm tra thực tế, vừa tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân và bản thân NKT nghiêm túc thực hiện các quy định về biểu diễn nghệ thuật. Nhờ đó, số lượng các điểm biểu diễn nghệ thuật tạo dư luận không tốt trong xã hội giảm dần.
“Thời gian trước, hầu như ngày nào đi làm về qua ngã ba đường Tố Hữu giao với đường Mỗ Lao thuộc quận Hà Đông, tôi cũng thấy NKT biểu diễn ca nhạc để quyên góp tiền. Khoảng hai tuần trở lại đây, tôi ít gặp hình ảnh này” - chị Nguyễn Thị Hà, trú tại tổ dân phố 3, phường La Khê, quận Hà Đông phản ánh.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, từ đầu tháng 5 đến nay, trong giấy phép cấp cho các đoàn nghệ thuật từ thiện, Sở VH-TT Hà Nội đã yêu cầu các đoàn chỉ hoạt động nghệ thuật khi có sự đồng ý của chủ địa điểm và phải được UBND quận, huyện, thị xã nơi tổ chức hoạt động cho phép. Địa điểm biểu diễn phải có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tuyệt đối không lấy vỉa hè, lòng đường làm "sân khấu". Kết thúc hoạt động, các đoàn có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả về Sở VH-TT Hà Nội kèm theo ý kiến đánh giá của UBND quận, huyện, thị xã nơi các đoàn tổ chức biểu diễn.
Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội Lê Trung Quyết cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, ngành Văn hóa nên phối hợp với các hội NKT, tạo điều kiện cho những người có năng khiếu nghệ thuật được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật do ngành Văn hóa tổ chức. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp NKT có cuộc sống ổn định hơn.
Ý kiến của Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội cũng là nỗi niềm của đa số NKT hiện nay. Hy vọng những mong muốn này sớm trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.