(HNM) - Sau khi đăng loạt bài:
Hội viên HTX Nông nghiệp Đông Dư chăm sóc rau thơm. Ảnh: Linh Tâm
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn:Thành lập HTX NN theo hướng chuyên ngành
Tôi rất đồng tình với những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX trên địa bàn TP Hà Nội như bài báo đã nêu. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, đặc thù mà mỗi địa phương nên tìm cho mình một hướng đi riêng, phù hợp. Sóc Sơn là huyện thuần nông, với trên 13.000ha đất NN (trong đó khoảng 10.000ha đất lúa, mầu). Trước thực trạng hoạt động cầm chừng, "được chăng hay chớ" của HTX, huyện Sóc Sơn đã đồng ý cho nhiều HTX giải thể do hoạt động kém hiệu quả, đồng thời thành lập mới các HTX chuyên ngành như HTX sản xuất rau, HTX trang trại chăn nuôi, HTX thủy sản, HTX sản xuất hoa... Toàn huyện Sóc Sơn hiện có 94 HTX các loại, trong đó có 60 HTX NN. Sau khi chuyển đổi mô hình từ hoạt động HTX NN dịch vụ tổng hợp sang HTX chuyên ngành, hầu hết các HTX đều hoạt động hiệu quả.
Ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội: Xã viên là yếu tố quyết định
Trên thực tế, các HTX NN dù đã chuyển đổi hay chưa chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX thì "cả làng" đều là xã viên. Nguyên nhân do các HTX NN chưa xác định rõ tư cách xã viên; bản thân xã viên chưa hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia HTX... Điều này là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của HTX NN thời gian qua chưa hiệu quả. Lối thoát cho HTX NN, trước hết phải huy động xã viên tự nguyện tham gia HTX và đóng góp vốn. Bởi xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng nên khi vào HTX họ có ý thức, trách nhiệm trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trên cơ sở có vốn, HTX sẽ tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh quy mô lớn kết hợp với mở rộng ngành nghề phi NN và phục vụ tốt đời sống người dân. Ở các huyện ngoại thành, đời sống nông dân còn nghèo, việc huy động xã viên tham gia góp vốn (đích thực) để tạo ra nguồn vốn lớn là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Phan Thanh Tiên, Chủ nhiệm HTX Tân Dân (Phú Xuyên): Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ
Hợp tác xã Tân Dân là một trong những HTX kinh doanh, dịch vụ thuần NN điển hình trong vận động xã viên gieo trồng vụ đông, hằng năm đều phủ kín 100% diện tích cây đậu tương, cây ngô. Bí quyết để HTX duy trì tốt điều này là thường xuyên tuyên truyền, vận động và làm tốt các khâu dịch vụ cho xã viên như làm đại lý cấp giống đậu tương, giống ngô mới năng suất, chất lượng bảo đảm; các dịch vụ về bảo vệ đồng ruộng, thủy lợi, bảo vệ thực vật thực hiện đều đặn, được xã viên tin tưởng. Tuy nhiên, để loại hình HTX thuần NN mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ thì cơ chế, chính sách cần cụ thể hơn nữa về hỗ trợ vốn hoạt động, chế độ cho cán bộ HTX khi chuyển công tác khác phải được tính cả thời gian hoạt động tại HTX...
Ông Phùng Quốc Huy, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội):Cần bổ sung cán bộ chuyên trách
Công tác quản lý nhà nước về HTX hiện được giao cho phòng kinh tế cấp huyện nhưng cán bộ đảm nhiệm còn phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc tham mưu chính sách, kiểm tra, hướng dẫn hạn chế; cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách quản lý về kinh tế tập thể, thậm chí cán bộ HTX còn phải làm thêm công việc thuộc nội dung quản lý nhà nước. Để làm tốt hơn, trung ương và TP cần có cơ chế hỗ trợ, bổ sung cán bộ chuyên trách cấp xã theo dõi, quản lý về kinh tế tập thể để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của xã viên cũng như nhu cầu xã hội để có định hướng kinh doanh, dịch vụ rõ ràng, cụ thể và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX NN Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai):"Bơm" vốn cho HTX hoạt động
Luật HTX quy định rõ: HTX là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của luật. HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của HTX theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đại đa số HTX hoạt động trong tình trạng thiếu vốn sản xuất. HTX Phú Mỹ không là ngoại lệ. Hiện vốn điều lệ của HTX chỉ vỏn vẹn trên 30 triệu đồng. Nếu được "bơm" thêm vốn, chúng tôi sẽ đầu tư mở một số dịch vụ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Bên cạnh đó, nếu được Nhà nước tạo điều kiện cho vay nguồn vốn lớn, HTX sẽ mua máy cày, bừa, máy gặt đập liên hoàn... phục vụ nhu cầu làm đất cũng như thu hoạch lúa của nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.