Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể chủ động từ một phía!

Thế Phương| 01/10/2015 06:44

(HNM) - Cả nước đã ghi nhận 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, tính đến ngày 29-9 đã có 2.700 người sốt xuất huyết (320 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong)...


Bộ Y tế đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố; đồng thời yêu cầu các địa phương bảo đảm đủ số thuốc cho nhu cầu phòng, chống dịch, không để tình trạng thiếu thuốc, biến động, tăng giá thuốc sốt xuất huyết trên địa bàn... Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp phòng dịch, tăng cường giám sát, xử lý, khống chế dịch bệnh. Thậm chí, tại một số điểm "nóng", lực lượng công an đã được huy động cho việc vận động người dân phun thuốc chống dịch.

Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cũng phải nói rằng, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, phòng chống sốt xuất huyết là công việc vô cùng khó khăn vì chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng chống dịch chủ yếu dựa vào các giải pháp như tiêu diệt muỗi truyền bệnh hay loại trừ nơi sinh sản của chúng. Với hai giải pháp nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về y tế cũng như các địa phương có thể huy động lực lượng, cơ sở vật chất cho việc phòng chống dịch bệnh, nhưng để mang lại thành công (hiệu quả thực tế) không thể không có sự vào cuộc từ những "bệnh nhân tương lai" của dịch sốt xuất huyết, nói cách khác là sự vào cuộc của mọi người dân, của toàn xã hội.

Ở Việt Nam, chu kỳ dịch lớn xuất hiện từ 4 đến 5 năm một lần. Tại miền Nam dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa, ở miền Bắc vào quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 khi điều kiện thời tiết, khí hậu... thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Năm 2014, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung giảm mạnh (thấp nhất trong 10 năm qua). Cơ quan y tế đã dự báo tình hình dịch bệnh trong năm 2015 diễn biến hết sức phức tạp, số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tăng cao. Thực tế, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được triển khai. Thế nhưng, như trên đã nói, nếu mỗi người dân vẫn thờ ơ với việc tự phòng dịch, thờ ơ với sức khỏe và thậm chí là tính mạng của chính mình… đến mức các cơ quan chức năng phải tính đến chuyện xử phạt hành chính những hộ dân "bất hợp tác" trong việc phun thuốc diệt muỗi thì rõ ràng chính quyền có chủ động đến đâu, cũng không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh đang bùng phát ở các ký túc xá, các khu công nhân lao động, khu nhà trọ chật chội, ẩm mốc, ô nhiễm môi trường - nơi người dân lao động có nhiều nỗi toan lo với điều kiện sống chật vật và nhận thức còn hết sức hạn chế về việc phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng...

Thậm chí, nhiều người dân khi nổi ban trên da vẫn nghĩ mình bị sốt virus, viêm họng, sốt phát ban... đến khi tới bệnh viện, bệnh đã nặng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh bùng phát. Do vậy, bên cạnh các giải pháp khoanh vùng, xử lý dịch bệnh thì công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chủ động phòng dịch là hết sức cần thiết. Biện pháp xử phạt hành chính hoàn toàn có thể sử dụng với những người vì một lý do nào đó cố ý "bất hợp tác" trong việc phun thuốc chống dịch. Bởi lẽ những việc làm thiếu trách nhiệm với cộng đồng sẽ gây ra nhiều hệ lụy...

Nhà nước có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng nếu chỉ các cơ quan chức năng của Nhà nước chủ động phòng chống dịch thì chưa đủ. Người dân cần có ý thức chủ động bảo vệ chính mình và cộng đồng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể chủ động từ một phía!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.