Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể buông lỏng chất lượng

Quỳnh Phạm| 02/10/2012 06:27

(HNM) - Trước nhu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực y tế, mùa tuyển sinh vừa qua, hàng loạt trường ĐH, CĐ đã được phép mở một số ngành thuộc khối y dược, trong đó có nhiều trường ngoài công lập.


Thấp đầu vào, chênh vênh đào tạo

Thống kê các đơn vị đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe, ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết: Việt Nam hiện có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ..., cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. Hằng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận: chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. Sinh viên, học sinh ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc lập, chất lượng sản phẩm đào tạo các trường cũng khác nhau...


Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội thực tập tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương.
Ảnh: Như Ý


Trong bối cảnh đó, việc "bung nở" đào tạo y tế ở nhiều trường khiến người ta vừa mừng, vừa lo. Mà đáng quan ngại trước tiên là điểm chuẩn đầu vào quá thấp đối với một ngành học cần những năng lực và phẩm chất đặc biệt như ngành y. Chỉ tiêu ngành y, dược năm qua cũng tăng đột biến. Bên cạnh một số trường lấy điểm chuẩn rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH QG Hà Nội, ĐH QG TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ... ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: Hơn bất cứ ngành nào, ngành khoa học sức khỏe cần chú trọng tuyển chọn đầu vào. Ngay trong một trường, các giảng viên đã có thể nhận thấy giữa các ngành với điểm đầu vào khác nhau, năng lực của sinh viên đã có sự chênh lệch rất rõ rệt. "Đầu vào là cái gốc, nếu không được coi trọng đúng mức hậu quả sẽ rất khó khắc phục bởi những hệ lụy tới sức khỏe và tính mạng của người dân", ông Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Liên quan tới những bất cập trong chương trình đào tạo, một chuyên gia y tế cho biết: Nếu như ở một số nước, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, bác sĩ phải được đào tạo bởi một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn để trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ còn phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Còn ở Việt Nam, có một thực tế là: học sinh phổ thông thi đỗ ĐH vào trường y, sau 6 năm học, có bằng bác sĩ đa khoa là có thể hành nghề. Sinh viên mới ra trường làm việc ở một cơ quan y tế chỉ cần 18 tháng, theo quy định, là có thể thi và học chuyên khoa cấp I.

Sẽ kiểm soát đầu ra ?

Những quan ngại về tuyển sinh và đào tạo ngành y đã đặt ra nhu cầu cấp bách về việc phải có một cơ chế kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Một chuyên gia đào tạo cho rằng, việc siết chặt đầu ra có thể đặt ra những vấn đề mang tính xã hội: sinh viên sau 6-9 năm học tập mà không đạt chuẩn để hành nghề thì sẽ ra sao? Nếu năng lực có hạn thì sinh viên có tiếp tục học thêm cũng không thể đạt chuẩn. Tuy nhiên, vẫn không thể vì thế mà buông lỏng chất lượng, bởi điều đó dẫn tới những hậu quả khó lường tới sức khỏe người dân. Để tránh lãng phí trong đào tạo và không ảnh hưởng đến chất lượng y tế lâu dài, then chốt vẫn là việc thu hút đầu vào có chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có sự quan tâm ở tầm vĩ mô cùng nhận thức của toàn xã hội để người giỏi muốn theo ngành y. Điều này nằm ngoài khả năng của các trường. Có trường ĐH lớn, để bảo đảm chất lượng đầu ra đã từ chối một số loại hình đào tạo nhất định bởi đầu vào quá thấp. Theo lãnh đạo trường, điều này không phải do trường lớn "chê" thí sinh, mà bởi họ không thể ôm đồm, phải tập trung năng lực cho nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Thế nhưng, có một thực tế là, những thí sinh này hoàn toàn có thể được tiếp nhận ở một cơ sở đào tạo khác, rồi cũng sẽ tốt nghiệp, thành bác sĩ và hành nghề.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo được 6.500 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau đại học. Tuy nhiên, ngành y tế tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp hai lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế. Khi "cầu" tăng, thì "cung" sẽ tăng và việc các trường "không hiểu gì lắm về ngành y" - như cách nói của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức tham gia đào tạo cán bộ y tế là điều không tránh khỏi. Để giải quyết bài toán quy mô và chất lượng này, cần phải phân định rõ chất lượng đào tạo của các trường. Trong khi đó, tại các trường đào tạo y khoa hiện mới chỉ bắt đầu hình thành công tác kiểm soát chất lượng đào tạo và chưa có đơn vị kiểm định độc lập. Thời gian tới, ông Nguyễn Công Khẩn cho biết, Bộ Y tế sẽ thành lập đơn vị kiểm định, tổ chức kiểm định các chương trình giáo dục, hỗ trợ các trường để đạt được chuẩn, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, qua đó tiến hành xếp hạng các trường, những mong sinh viên trường y ra trường xứng đáng là thầy thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể buông lỏng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.