Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể bất chấp tính mạng con người để phát triển kinh tế

Nguyên An| 30/03/2015 06:07

(HNM) - Vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra lúc 20h ngày 25-3-2015. Có 13 người chết, 29 người bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng trong vụ sập giàn giáo tại dự án Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đây là vụ tai nạn lao động mà sự đau đớn không chỉ đối với riêng thân nhân nạn nhân lúc này mà còn ám ảnh, đeo đẳng họ lâu dài.


Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tỉnh Hà Tĩnh đã điều động các lực lượng quân đội, công an, y tế... đến hiện trường để tiến hành cứu hộ, cứu nạn và đưa người bị thương đi cấp cứu. Cũng ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo tổ chức cứu nạn, tìm kiếm người bị mắc kẹt, thăm hỏi, động viên người bị thương, thân nhân người tử vong; đồng thời, trực tiếp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Bộ Xây dựng, Y tế... có mặt tại địa phương chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Formosa là tổ hợp dự án bao gồm nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu, nhà máy nhiệt điện. Trước vụ tai nạn thương tâm này, ngày 19-1 vừa qua tại công trường của Công ty Posco 2 (trong khu liên hợp gang thép) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khi cầu thang lên xuống băng chuyền bất ngờ đổ sập khiến 1 công nhân thiệt mạng, 1 công nhân bị thương nặng. Trước đó nữa, ngày 27-7-2014, tại công trình xây dựng bể chứa nước (thuộc Formosa) một vụ tai nạn khiến 2 người chết, 3 người bị thương nặng. Như vậy, trong thời gian ngắn ở công trường Formosa đã có 16 người lao động bị chết với liên tiếp tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Vì sao một dự án có quy mô lớn như vậy, được hưởng rất nhiều "biệt đãi" từ cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như của địa phương, lại liên tục vi phạm các quy định quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động?

Trở lại vụ sập giàn giáo, mặc dù chưa có kết luận điều tra chính thức song "lỗi" có thể nằm ở... hệ thống phanh thủy lực. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm và không khỏi bức xúc là trước lúc tai nạn ập đến, công nhân đã hai lần phát hiện dấu hiệu bất thường khi giàn giáo rung lắc và đã báo cáo quản đốc người Hàn Quốc. Sự vô trách nhiệm ở đây là viên quản đốc khi cho rằng "không có vấn đề gì" và yêu cầu công nhân trở lại công việc. Và rất không bình thường, tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hai ngày sau tai nạn, người đứng đầu Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đều né tránh câu hỏi liên quan thông tin này. Đây là một vấn đề phải được làm rõ. Dư luận cũng như thân nhân người bị nạn cần một câu trả lời trung thực.

Dẫn đến tai nạn lao động có rất nhiều nguyên nhân. Có thực tế khá phổ biến ở rất nhiều dự án là các đơn vị thi công hầu như xem nhẹ quy chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Tại sao như vậy? Một trong những mục tiêu chính của đơn vị thi công là lợi nhuận và họ chỉ có thể đạt được lợi nhuận cao khi bảo đảm tiến độ, đồng thời giảm thiểu chi phí. Nếu tuân thủ tuyệt đối các quy định quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động thì tiến độ có thể bị chậm hơn, cũng như chắc chắn chi phí sẽ phát sinh do phải đầu tư trang thiết bị, đồ bảo hộ... Về công tác giám sát an toàn vệ sinh lao động, cũng rất ít chủ đầu tư chịu "để ý". Ở chiều ngược lại, một con số rất lớn người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng để tự bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình trong quá trình làm việc. Đặc biệt, rất ít người hiểu rõ quyền được từ chối làm việc trong điều kiện không bảo đảm, có thể gây rủi ro tới sức khỏe và tính mạng của mình, nhất là khi họ là những lao động nghèo và buộc phải mưu sinh bất kể nguy hiểm. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến hiệu lực của các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trở nên... vô hiệu. Trớ trêu là vụ sập giàn giáo xảy ra trong khi tỉnh Hà Tĩnh vừa phát động Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ?!

Sức khỏe, tính mạng con người là vô giá, không gì có thể đánh đổi được. Song, vụ sập giàn giáo cho thấy thái độ coi rẻ sinh mạng người lao động của đơn vị thi công, sự thờ ơ đối với công tác giám sát của chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Đáng chú ý, vụ sập giàn giáo tại Dự án Formosa chỉ là một phần trong bức tranh u ám liên quan vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Theo thống kê, năm 2014 cả nước xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động làm gần 7.000 người bị nạn, trong đó gần 600 vụ gây chết người. Dù vậy, theo Cục An toàn vệ sinh lao động, đây mới là con số "do địa phương báo về". Thực tế cho thấy số người chết và bị thương cao gấp 3 - 4 lần so với báo cáo. Như vậy, số người tử vong vì tai nạn lao động có thể lên đến 1/4 so với số người tử vong vì tai nạn giao thông trong năm 2014 (khoảng 9.000 người). Khi chủ đầu tư lơ là giám sát, khi nhà thầu tìm cách "tối ưu hóa" lợi nhuận thông qua cả việc "trốn" xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không cung ứng đủ thiết bị bảo hộ đạt chuẩn, không huấn luyện kiến thức, kỹ năng an toàn vệ sinh cho người lao động; khi người lao động không thực hiện đúng quy trình, lười sử dụng phương tiện bảo hộ… mà cơ quan chức năng lại thờ ơ với nhiệm vụ của mình thì tai nạn thương tâm xảy ra là tất yếu. Và chừng nào thực tế này còn tồn tại thì những tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại Dự án Formosa còn diễn ra.

Làm thế nào để giảm thiểu những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như sập giàn giáo Formosa, sập hầm thủy điện Đạ Dâng...? Các quy định quản lý nhà nước đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ, tức là cơ quan chức năng đã có cây gậy pháp lý trong tay để khi cần thiết thì chấn chỉnh, ngăn chặn sai phạm của nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Chúng ta cũng đã có kế hoạch tuyên truyền ngắn hạn và dài hơi nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Điều dường như thực sự thiếu là thái độ coi trọng sức khỏe, tính mạng người lao động.

Theo một số nguồn tin, thân nhân mỗi lao động tử nạn trong vụ sập giàn giáo được bồi thường, hỗ trợ 400 triệu đồng (người bị thương được hỗ trợ chi phí điều trị, tiến hành bồi thường khi có kết quả giám định thương tật). Thực tế không tiền nào bù đắp được tính mạng con người.

Ngày 27- 3, chủ đầu tư, nhà thầu đã cúi đầu xin lỗi trước đông đảo thân nhân người bị nạn, người dân và chính quyền địa phương. Cái cúi đầu xin lỗi ấy chỉ là một động thái sau sự cố. Vấn đề là trách nhiệm phải được thể hiện một cách chân thành thông qua biện pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài là việc chấn chỉnh các quy trình, quy định để công trường không còn là nơi đầy rủi ro đối với công nhân. Cũng phải nói thêm, bồi thường là một chuyện, còn chi phí cứu hộ cứu nạn khi tai nạn xảy ra không phải bởi những yếu tố bất khả kháng như thiên tai, thời tiết... thì ai chi trả? Hàng nghìn lượt người, phương tiện được huy động tại Hà Tĩnh cũng như của các cơ quan, đơn vị khác, chi phí do ai chi trả? Đơn vị để xảy ra sự cố không thể né tránh.

Trong công điện chỉ đạo khắc phục sự cố, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ có xử lý thật nghiêm những hành vi sai phạm trong vụ sập giàn giáo tại Dự án Formosa nói riêng cũng như nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng khác nói chung thì sự thờ ơ, thái độ coi rẻ sức khỏe, tính mạng người lao động mới bị ngăn chặn. Và cũng chỉ khi đó mới không còn xảy ra quá nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm.

Đất nước chúng ta rất cần phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta không bao giờ chấp nhận việc bất chấp tính mạng con người để phát triển kinh tế. Đó là nguyên tắc không thay đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể bất chấp tính mạng con người để phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.