Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không quyết tâm, khó thành công

Đình Hiệp| 13/09/2016 07:17

(HNM) - Trong mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, được Đảng ta chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện từ Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong 3 “trụ cột” (bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ


Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 558 DNNN; trong đó cổ phần hóa được 478 DN, đạt 93% kế hoạch... Từ đầu năm đến hết tháng 8-2016, cả nước đã cổ phần hóa được 42 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Những hoạt động tái cơ cấu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp nền kinh tế lấy lại sự ổn định và thoát khỏi tình trạng suy giảm tăng trưởng.

Thế nhưng, so với yêu cầu thực tế khi hội nhập kinh tế toàn cầu, “trụ cột” này chưa đem lại kết quả như mong đợi. Tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt trong phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị DN hiện đại theo xu thế của thế giới. Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN chưa xác định được cụ thể điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng DN, nên chưa đưa ra được giải pháp tái cơ cấu cũng như định hướng phát triển phù hợp, nên không ít nơi thực hiện theo hình thức chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn thiếu quyết liệt...

Cả nước hiện còn khoảng 780 DN 100% vốn nhà nước, trong số này có tới 81% là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn. Đây là điều phải suy ngẫm khi các nền kinh tế phát triển như Australia chỉ có 17 DNNN, Pháp có 51 DNNN và Anh có 21 DNNN…

Khắc phục những tồn tại trên, trong dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nước ta giai đoạn 2016-2020, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến, đã nhấn mạnh những mục tiêu quan trọng: Đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong các DNNN, giảm bớt các ngành nghề được quy định nhà nước cần nắm giữ phần lớn cổ phần và thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các DN không thuộc ngành nghề nhà nước cần nắm giữ số cổ phần trên 50%; giai đoạn 2016-2020 tiến hành cổ phần hóa 250 - 280 DNNN...

Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sắp xếp, tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn mới, trước hết cần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN; đẩy nhanh minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tiếp đó, cần tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN. Bên cạnh đó, cần quyết liệt thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, nhưng không thoái vốn bằng mọi giá. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Trong buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều đầu tiên đáng ghi nhận là ý chí, quyết tâm của Tập đoàn trong triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ vì không ít người không muốn tái cơ cấu bởi ngại va chạm và rủi ro. Thủ tướng nhấn mạnh: “Làm cái gì mà không quyết tâm thì khó thành công, nhất là các việc khó”!

Việt Nam đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập. Trong bối cảnh đó, để thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ tất yếu. Yêu cầu đặt ra là tái cơ cấu DNNN phải đi vào thực chất hơn mới có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về "chất" nhằm đáp ứng được các yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Và muốn vậy, quyết tâm phải rất lớn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không quyết tâm, khó thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.