(HNM) - Sự hủy diệt của các loại máy bay chiến lược như B-2, B-1B và B-52 rất đáng sợ, nhưng để tạo được lợi thế trước Nga, Mỹ đang phát triển loại máy bay ném bom mới mang vũ khí hạt nhân Long Range Strike-Bomber (LRS-B).
LRS-B đã được cấp phép phát triển bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates vào năm 2011. Dự án gồm hai nguyên mẫu: Một do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển và nguyên mẫu thứ hai là của Boeing hợp tác với Lockheed Martin. Cả hai nguyên mẫu đã qua thử nghiệm tại hầm khí động học và được đánh giá về tiềm năng. Cách đây khoảng 60 năm, Mỹ đã chế tạo và đưa vào biên chế loại máy bay ném bom chiến lược mang tên B-52.
Mục đích sản xuất ra máy bay này để mang bom nguyên tử, nhằm răn đe các quốc gia trong chiến tranh lạnh. Theo các chuyên gia phân tích, bán kính hoạt động thực tế của B-52 là 6.400km và ném bom ở độ cao 9.000m đến 10.000m. Không loại máy bay nào ném bom được ở độ cao như B-52 vì nó có 8 động cơ, mang được nhiều bom, ném theo kiểu trải thảm diện tích rộng. Tuy nhiên, với LRS-B, Mỹ đã phát triển máy bay tàng hình hạt nhân mới, thay thế "cỗ máy" B-52 già nua.
LRS-B là một loại máy bay ném bom được thiết kế với 3 tiêu chí quan trọng: Trọng tải phải đủ lớn để mang nhiều loại vũ khí, với tầm bắn và sức mạnh khác nhau; tầm hoạt động phải đủ xa để tấn công được nhiều khu vực trên thế giới và chi phí trung bình chỉ khoảng 550 triệu USD/chiếc nhằm tạo áp lực cho các nhà sản xuất để tối ưu hóa thiết kế máy bay.
LRS-B sẽ có 3 năng lực, có cả bản có người lái và không người lái, kích cỡ nhỏ hơn B-2, thách thức lớn nhất là tích hợp công nghệ. Kích thước loại máy bay tàng hình mang bom hạt nhân này được thiết kế dao động giữa kích thước của máy bay không người lái của hải quân UCLASS, sải cánh 18,9m và máy bay ném bom chiến lược B-2 sải cánh dài 52,4m. Thiết bị trên máy bay được chế tạo kiểu module, để có thể nâng cấp mà không thay đổi cấu trúc. Quan chức không quân Mỹ cho biết, máy bay ném bom mới sẽ có cải tiến rất lớn so với B-2 về mặt tàng hình.
Hiện chưa có thông tin về tốc độ của LRS-B. Tuy nhiên, các yếu tố tầm hoạt động, trọng tải lớn và hạn chế chi phí cho thấy nó có thể đạt được tốc độ cận tốc độ âm thanh. Khi mới được biên chế, các máy bay LRS-B sẽ được điều khiển bởi phi công. Sau đó một vài năm, các phiên bản không người lái có thể sẽ ra đời. Khả năng răn đe hạt nhân cũng sẽ được bổ sung sau khoảng 2 năm.
Do chưa có các thông tin chắc chắn, nhiều khả năng yêu cầu và thời điểm cung cấp máy bay LRS-B sẽ còn thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, không quân Mỹ sẽ mua từ 80 đến 100 máy bay loại này nhằm thay thế cho phi đội B-52 và B-1 từ giữa những năm 2020. B-52 đã 50 tuổi, nhưng nó có thể vẫn ở lại trong biên chế đến năm 2040, B-2 mới 20 tuổi sẽ bay đến năm 2058.
Tham mưu trưởng không quân Mỹ - Tướng General Welsh cho biết, với những thách thức về khoa học công nghệ quân sự của các quốc gia khác, sau 20 năm nữa, máy bay ném bom B-2 có thể sẽ không còn giữ được ưu thế tác chiến đường dài trong không trung với các đối thủ của nước này. Hơn thế, với giá thành khủng, tới gần 2 tỷ USD/chiếc, quân đội Mỹ đã phải giảm số lượng B-2 xuống mức tối thiểu. Lầu Năm Góc cũng vừa điều chỉnh lại chi phí dự kiến của việc phát triển LRS-B lên 58,2 tỷ USD, tức là nhiều hơn 25 tỷ USD so với con số đề ra trước đây.
Do đóng vai trò là xương sống của không quân chiến lược Mỹ, những thông tin về LRS-B rất được các chuyên gia quan tâm và trong tương lai chiếc máy bay này được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị ném bom hiện có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.