(HNM) - Trong hệ thống thi đấu cờ vua quốc tế, giải Aeroflot tại Nga thuộc hàng danh giá. Một kỳ thủ Việt Nam vô địch giải đấu này đã là niềm vinh dự lớn cho làng cờ Việt Nam. Bảo vệ được chức vô địch giải đấu này (điều mà chưa kỳ thủ nào làm được) lại càng đáng tự hào. Người khiến làng cờ và người hâm mộ thể thao Việt Nam tự hào vì thành tích ấy chính là Lê Quang Liêm.
Gian nan tỏ mặt anh hùng
Khi Lê Quang Liêm tham dự giải Aeroflot năm 2011, ít ai nghĩ đến khả năng bảo vệ thành công ngôi vô địch cho dù anh đang là đương kim vô địch giải đấu. Với các kỳ thủ dự giải, Lê Quang Liêm không còn là bất ngờ. Thay vào đó là sự cẩn trọng, quyết tâm đánh bại nhà vô địch. Áp lực nặng hơn, các ván đấu trở nên căng thẳng hơn và nếu không có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe thì sẽ khó vượt qua. Biết vậy nên dịp Tết Nguyên đán qua, Lê Quang Liêm vẫn miệt mài chuẩn bị cho giải.
Khi Lê Quang Liêm thi đấu thành công ở những ván đầu, sự hoài nghi vẫn chưa được giải tỏa. Tuy vậy, kể từ ván thắng Kamsky, kỳ thủ nổi tiếng người Mỹ, khả năng bảo vệ chức vô địch của Liêm đã lộ rõ. Vượt qua một kỳ thủ sừng sỏ, luôn khiến các đối thủ khác e ngại là sự tiến bộ vượt bậc của Liêm. Và sau đó, chức vô địch thứ hai đã đến với Liêm dù đoạn cuối con đường chông gai hơn quãng đầu rất nhiều, đặc biệt sau khi kỳ thủ Việt Nam thua ở ván 8. Sự khôn ngoan đã giúp Liêm đưa trận quyết định ở ván 9 vào thế có lợi cho mình, giành đủ điểm cần thiết để bảo vệ thành công ngôi vô địch trong sự tán thưởng của các HLV, đồng nghiệp và giới truyền thông.
Không thể chỉ trông chờ vào ngân sách
Người trong cuộc không bất ngờ với thành công này. Trong chức vô địch của Liêm, sự may mắn chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Thay vào đó là sự khổ luyện, là sự đầu tư mạnh mẽ của gia đình bên cạnh sự đãi ngộ, đầu tư của Tổng cục TDTT, ngành TDTT TP Hồ Chí Minh. Đấy có lẽ là đường đi hợp lý nhất với các VĐV thi đấu đơn ở Việt Nam hiện nay. Có thể coi trường hợp Lê Quang Liêm là điển hình cho sự chung tay góp sức của gia đình - Nhà nước. Bởi, nếu chỉ trông vào sự đầu tư từ Nhà nước thì sức cờ của Quang Liêm không thể thăng tiến nhanh chóng trong mấy năm qua. Cứ nhìn sang trường hợp của một cựu "thần đồng" khác là Nguyễn Ngọc Trường Sơn thì rõ. Từ chỗ ngang bằng Liêm cả về sức cờ lẫn thành tích quốc tế, giờ đây cái tên Nguyễn Ngọc Trường Sơn ít được nhắc đến hơn hẳn. Cũng có thể ý chí của Sơn không mạnh mẽ bằng Liêm nhưng trong thể thao thành tích cao, nếu không được đầu tư mạnh mẽ từ gia đình, Nhà nước và các tổ chức xã hội thì VĐV khó phát triển được. Sự đầu tư hạn chế dành cho Nguyễn Ngọc Trường Sơn và nhiều kỳ thủ khác từng có xuất phát điểm như Lê Quang Liêm, đã khiến nhiều tài năng cờ Việt Nam không thể bật lên. Với bộ môn cờ thuộc Tổng cục TDTT, nguồn kinh phí khoảng 70.000 USD/năm rõ ràng không đủ để đáp ứng yêu cầu nâng cao thành tích cho những kỳ thủ hàng đầu mà phải trông vào các nguồn khác. Lê Quang Liêm may mắn ở trong một gia đình có điều kiện đầu tư mạnh tay cho con, trong một môi trường thể thao của một thành phố năng động có nhiều điều kiện để phát huy tài năng.
Lê Quang Liêm, cũng như một số VĐV khác nhận được cách đầu tư tương tự như Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Hoàng Thiên (quần vợt) được cọ xát quốc tế liên tục và thành tích cứ dần đến. Các giải thưởng (hơn hẳn mức thu nhập bình quân của giới VĐV Việt Nam) cũng đến với họ. Không ngoa khi cho rằng, hiện tại, ngoài các cầu thủ bóng đá nhà nghề, chỉ có số ít VĐV, trong đó có Lê Quang Liêm "sống khỏe" với nghề nhờ thu nhập từ giải thưởng.
Không phải tự nhiên họ "sống khỏe" với nghề. Thành công, thu nhập của họ không phải từ trên trời rơi xuống!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.