(HNM) - Khép lại năm 2017, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Đóng góp vào thành công chung đó, có sự cố gắng, nỗ lực cao của ngành Tuyên giáo Thủ đô, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, không khí phấn khởi, thi đua hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội là trung tâm của cả nước, bên cạnh những lợi thế, là không ít việc khó, phức tạp. Đây là nơi hội tụ tinh hoa cả nước và giao thoa nhiều sắc thái văn hóa, nhiều hình thái kinh tế - xã hội. Nơi mà mọi suy nghĩ và việc làm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân đều có sức ảnh hưởng và độ lan tỏa rộng lớn. Vì thế, mỗi thành công, mỗi bước phát triển đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo phải luôn nỗ lực rất lớn, với cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy vậy, vượt lên là tinh thần quyết tâm, sâu sát, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Ngành Tuyên giáo đã tham mưu, giúp sức cho thành phố tiếp tục thực hiện tốt cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVI và nghị quyết của Đại hội các cấp... Cùng với đó là chủ động nắm bắt, định hướng dư luận trên địa bàn. Trên thực tế, trong năm qua, trên địa bàn thành phố phát sinh một số vụ việc phức tạp, điểm “nóng”, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội nên tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã xây dựng quy trình tuyên truyền xử lý “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm “cẩm nang” cho cán bộ ngành Tuyên giáo và đem lại hiệu quả rõ nét...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, ngành Tuyên giáo đã thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại như một số cấp ủy đảng nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng. Công tác cán bộ và điều kiện hoạt động dành cho lực lượng này có nơi chưa quan tâm, đầu tư. Việc đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo ở một số đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét, tính hiệu quả, thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên giáo chưa cao...
Thực tế đó, cộng với diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình khu vực, thế giới thời gian qua, sự phát triển vũ bão của mạng xã hội khiến thông tin nhiễu loạn, khó định hướng, việc nhân rộng, phát huy những cách làm, mô hình sáng tạo càng có ý nghĩa.
Để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là nâng cao trình độ, chủ động bám sát thực tiễn, gần dân, sát dân. Bởi chỉ có sát thực tế, đủ trình độ thì vậy mới có thể “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”. Ngoài ra, ngành Tuyên giáo Thủ đô cần làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình và dự báo diễn biến tư tưởng, thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là đối với những vấn đề “nóng”, nhạy cảm.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, kết hợp với bảo mật thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ... là những giải pháp đã được ngành Tuyên giáo xác định để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Liên tục đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là đòi hỏi thường xuyên, liên tục để giữ vững "mặt trận" tuyên giáo, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.