(HNM) - Mới đây, khi bàn về triển khai công tác khoa học - công nghệ năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ ấn tượng với những đóng góp của ngành Khoa học - Công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được phóng thành công từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura. Ảnh: Mai Loan |
Những đóng góp ấn tượng
Năm 2018, chỉ số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế của Việt Nam tăng cao nhất từ trước tới nay (25%); chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc kể từ năm 2016 (xếp vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế), gần đây nhất là vệ tinh MicroDragon được phóng thành công vào quỹ đạo… Đó là những điểm nhấn của ngành Khoa học - Công nghệ trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, khi Đảng, Chính phủ xác định đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, “vũ khí” chiếm lợi thế chính là khoa học và công nghệ. Từng ngành đều hướng sự tập trung để giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, y dược…
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khoa học - công nghệ chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo thành công, đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu như dây chuyền sản xuất nhà thép nhẹ tiền chế; robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo; hệ thống sấy lúa vỉ ngang... Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã tạo ra các sản phẩm như thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh ung thư, rối loạn mỡ máu, tim mạch, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan... có giá thành bằng khoảng 60-70% giá của sản phẩm ngoại nhập. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, vùng phủ 4G của các doanh nghiệp viễn thông ngày càng mở rộng và có khả năng cung cấp dịch vụ cho trên 95% dân số; triển khai nghiên cứu để phát triển mạng 5G.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Khoa học - Công nghệ cũng thừa nhận một số hạn chế: Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các kết quả phát triển công nghệ từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường khoa học - công nghệ phát triển còn chậm, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đối mặt với thách thức cũng như tận dụng được cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 còn chưa được như kỳ vọng…
Cần hỗ trợ về cơ chế và nguồn nhân lực
Để nâng cao các chỉ số nhằm giúp Việt Nam nâng hạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trách nhiệm tham mưu, tư vấn của người làm quản lý khoa học - công nghệ từ cấp địa phương trước những thách thức về cơ chế chính sách cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
Được đánh giá là địa phương có thành tích tăng trưởng cao nhất cả nước năm 2018, tỉnh Bắc Giang đã có những đầu tư quyết liệt cho khoa học - công nghệ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, đó là đầu tư để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… Bắc Giang hiện nay đã có 71 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận và hằng năm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ. Nhờ đó quá trình sản xuất vải thiều đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Bắc Giang kiến nghị được hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp nhận các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ về việc nâng cao vai trò của khoa học - công nghệ cấp địa phương, ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Tĩnh, cho rằng: Chính sách khoa học - công nghệ đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng sẽ là câu trả lời có trọng lượng nhất cho vai trò của khoa học - công nghệ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đặt ra áp lực lớn cho sự thay đổi, tái cơ cấu mô hình tăng trưởng kinh tế, những năm gần đây Hà Tĩnh đã đổi mới trong công tác xác định nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu. Trên 50% nhiệm vụ thực hiện theo phương thức “đặt hàng, tuyển chọn”. Chính vì vậy, qua đánh giá hằng năm, có trên 95% đề tài, dự án khoa học - công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, khắc phục tối đa thực trạng “đề tài bỏ ngăn tủ”.
Khẳng định khoa học - công nghệ đã mở ra cơ hội lớn để đưa ngành thủy sản Việt Nam lên một tầm cao mới, về phía doanh nghiệp, ông Đức Trí, đại diện tập đoàn Việt - Úc bày tỏ mong muốn Bộ Khoa học - Công nghệ làm đầu tàu để kết nối các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, viện, trường trong và ngoài nước với doanh nghiệp để thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp đề xuất có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa vào khoa học - công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, để hoạt động khoa học và công nghệ được như kỳ vọng, rất cần thêm sự chung tay của tất cả các ngành, địa phương cùng cộng đồng khoa học, để tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch của ngành trong những chặng đường sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.