Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên quá lo lắng về nợ công

Vân An| 28/10/2011 11:05

(HNMO) - Tiếp tục thảo luận về các báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ, sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ thêm các vấn đề về tái cấu trúc nền kinh tế, chính sách cho miền núi, vùng khó khăn…


Các đại biểu tiếp tục tán thành cao với các đánh giá cũng như các nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Những ý kiến tập trung nhiều vào việc sắp xếp lại đầu tư công, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt kiến nghị Chính phủ ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông cả nước, nhất là giao thông kết nối giữa các vùng - miền, để thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội.

Song song với đó, Chính phủ cần quan tâm đến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ cao, đón đầu sự phát triển.

Các đại biểu cũng nhất trí ủng hộ, không nên đặt quá nặng mục tiêu tăng trưởng mà nên hướng tới sự phát triển cân đối, bền vững, chú trọng đến các yếu tố bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của các đối tượng chính sách, nông dân, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh.

Không nên quá lo lắng về nợ công

Cùng tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã làm rõ hơn về vấn đề nợ công và bội chi ngân sách.

Về nợ công, Bộ trưởng cho biết, đến 31/12/2010, nợ công của Việt Nam là 57,3% GDP, ước đến 31/12/2011 nợ công là 54,6%, đến 2012 là 58,4% nhưng chỉ số này tính trên kịch bản tăng trưởng là 6%/năm, nếu tăng trưởng 6,5% thì nợ công sẽ giảm đáng kể. Đáng chú ý, trong cán cân nợ công, vay thương mại chỉ chiếm 7%, còn lại 75% là vay ODA với lãi suất ưu đãi thấp và thời hạn trả nợ dài. Do vậy, Bộ trưởng lưu ý, khi so nợ công của Việt Nam với các nước  khác, cần chú ý cơ cấu này, nhất là với các nước phát triển và đã thoat nghèo thì tỷ trọng vay thương mại thường chiếm khá lớn. Bộ trưởng cũng cho biết, các nước EU thường tính nợ công theo tỷ lệ giá trị đồng tiền còn Việt Nam tính theo giá trị danh nghĩa, nếu quy theo giá trị đồng tiền thì còn thấp hơn.

Theo Bộ trưởng, hiện tại đại bộ phận nợ công của Việt Nam tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông, cảng, nhà ga sân bay, cầu… Riêng trái phiếu Chính phủ được dùng để tập trung đầu tư xây dựng các đường ô tô về các xã, các trường học, phòng công vụ… Kết quả sử dụng nợ công đã giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng trung bình hơn 7% trong 5 năm qua.

Hiện tại, Chính phủ đã có chiến lược về quản lý nợ công đến năm 2020, đồng thời hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch việc quản lý nợ. Cụ thể, đã thành lập cục quản lý nợ và thương mại để giúp Chính phủ quản lý thống nhất về nợ công, đồng thời xây dựng đề án xếp hạng tín dụng quốc gia; chủ động đàm phán vay nợ ODA và tiếp tục các khoản vay ưu đãi...

Về trả nợ, hiện chiếm khoản 14-16% tổng ngân sách nhà nước mỗi năm, vẫn thấp hơn nhiều so với ngưỡng trả nợ an toàn của thế giới (là chiếm không quá 30%).

"Thời gian tới, với việc tái cơ cấu đầu tư công cùng các chỉ số khác như tỷ giá, giát iêu dùng... ổn định thì việc quản lý nợ sẽ tốt hơn. Chúng ta không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công. Tôi đề nghị  Quốc hội giữ nguyên  mức nợ công như đề xuất của Chính phủ", Bộ trưởng nói.

Về bội chi ngân sách, hiện nay, trong tỷ lệ bội chi của Việt Nam chưa tính đến nguồn trái phiếu Chính phủ, mặc dù theo thông lệ quốc tế là phải tính nhưng  Bộ trưởng cho biết, Việt Nam lại đưa phần trả nợ gốc để tính chi, trong khi thông lệ quốc tế thì không áp dụng. Do đó, nếu ta đưa trái phiếu Chính phủ tính vào tính nợ công, đồng thời loại ra phần trả nợ gốc thì bội chi của Việt Nam trong năm 2012 chỉ còn 4%. Theo Bộ trưởng, Quốc hội có thể dùng nghị quyết để điều chỉnh cách tính bội chi theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn nên cho giữ mức bội chi như đề xuất của Chính phủ.

Cắt giảm đầu tư công: CP không rút tiền về mà chỉ điều chuyển

Giải đáp vấn đề khá “nóng” tại nghị trường trong hơn 1 ngày qua là việc cắt, giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Nghị quyết 11 của Chính phủ không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí cho năm 2011 và thực tế đến giờ phút này, Chính phủ cũng chưa cắt một đồng nào về vốn đã bố trí. Việc cắt, giảm được thực hiện như sau: Không được kéo dài các khoản đầu tư đã cấp năm 2010; không cho phép ứng trước vốn ngân sách của năm 2011 và 2012; không cho phép khởi công mới các công trình. Nguồn vốn dôi ra từ cắt, giảm, đình, hoãn các dự án sẽ được dồn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011.

“Như vậy, Chính phủ chủ yếu là sắp xếp, chứ việc cắt giảm vốn để thu về Trung ương là không có”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, đến hết tháng 9, cả nước đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng, trong đó cắt, giảm từ việc không đầu tư ra được khoảng 30.000 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cắt giảm hơn 39.000 tỷ đồng và cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10% được 3.800 tỷ đồng.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, việc cắt giảm đầu tư công rất khó khăn vì các dự án nằm trong kế hoạch năm 2011 đều đã được các địa phương rất vất vả chuẩn bị vào cuối năm 2010, đến tháng 2/2011 thì lại có quyết định cắt giảm, các địa phương gặp không ít khó khăn.

Bộ trưởng cũng thừa nhận có những bức xúc phát sinh từ việc cắt, giảm. Cụ thể, các công trình của Bộ Giao thông quản lý thì Chính phủ không cắt nguồn vốn nhưng vì Bộ Giao thông năm nào cũng thiếu vốn và thường phải dùng vốn của năm sau để đầu tư tiếp các dự án của năm cũ nên khi Bộ sắp xếp lại các dự án theo Nghị quyết 11, có dự án đang triển khai dở dang thì bị dừng lại vì không còn vốn đầu tư hoặc không được ứng vốn năm 2012 nên cũng không có tiền để đầu tư tiếp, hoặc có những dự án mới đã được bố trí vốn nhưng không được khởi công...

“Dự báo đầu tư xã hội nước ta năm nay chỉ đạt 34% GDP, giảm mạnh so với mức 42% của năm 2010”, Bộ trưởng nói.


Từ 2012: Sẽ điều chỉnh dần mức lương

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý cho chế độ đối với cán bộ công chức ở các phường, xã, thị trấn và chế độ đối với cán bô không chuyên trách ở các thôn, ấp.

Bộ trưởng cho biết, qua 2 năm thực hiện các nghị định của Chính phủ về chế độ cho các đối tượng trên, đến nay cơ bản tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, biên chế đi dần vào ổn định, bước đầu được chuẩn hóa, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, năng lực điều hành của các cấp chính quyền.

Tính đến thời điểm này, tổng đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là khoảng 233.000 người, cán bộ không chuyên trách khoảng 200.000 người; đội ngũ không chuyên trách ở thôn, ấp tírong quy định và cả số lượng người do các địa phương tự vận dụng thêm là khoảng 700.000 người .

"Căn cứ đề nghị của các địa phương, cơ sở, các đại biểu Quốc hội, Bộ nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến Chính phủ để có thể sửa đổi, điều chỉnh một số chế độ chính sách cho phù hợp", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công theo quan điểm tổng kết những gì đã và đang thực hiện để từ đó phát huy ưu điểm và khắc phục các bất cập, khiếm khuyết. Từ năm 2012-2014, Chính phủ sẽ cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế, tiếp đó mới điều chỉnh quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa và ngạch, thang, bậc lương cùng các yếu tố phụ cấp khác theo hướng đưa một số phụ cấp hiện nay vào lương mới để cân đối cho phù hợp.

Bộ chưa có sáng kiến mới, tất cả chỉ là thực hiện những giải pháp đã có

Về các giải pháp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định, những giải pháp mà Bộ và các cơ quan liên quan đang triển khai chỉ là thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông mà Đảng và Chính phủ đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết, Bộ chưa có được sáng kiến gì mới.

Các nhóm giải pháp chủ yếu đã được đề ra về cơ bản và lâu dài gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới luật; triển khai quyết liệt, đồng bộ các quy hoạch và chiến lược về GTVT đã được phê duyệt; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải, trong đó các dự án trọng điểm như trục bắc-nam, các trục hướng tâm, đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển các loại phương tiện: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không; tổ chức lại giao thông hợp lý (phân tuyến, phân đường, phân làn)....

"Việc đổi giờ làm, phân làn, phân tuyến không phải là sáng kiến của Bộ, mà chúng ta đang thực hiện các nghị quyết của Chính phủ... Việc đổi giờ làm có thể gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân nhưng chúng tôi mong  nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của nhân dân vì để đạt được mục tiêu lớn hơn, mỗi người cần phải hi sinh cái nhỏ. Chúng tôi mong người dân chia sẻ, thông cảm và đồng thuận để chính sách được thực hiện", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cần có giám sát tối cao với các tồn tại hiện nay của giao thông, trong đó có tai nạn, an toàn và ùn tắc giao thông.

"Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân,  chúng ta chắc chắn sẽ kiềm chế được tai nạn và ùn tắc giao thông", Bộ trưởng tin tưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên quá lo lắng về nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.