Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên làm lấy được

Gia Bảo| 30/05/2014 07:06

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 5 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được yêu cầu thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khu vực trung tâm. Hiện Sở GTVT thành phố đang lấy ý kiến công luận về vấn đề này.


Với kết cấu hạ tầng như hiện nay dịch vụ xe đạp công cộng chưa phù hợp.


Chị Nguyễn Thị Mai Lan (đường Nguyễn Trung Trực, quận 1, hiện đang làm việc cho một công ty dịch vụ tại quận 4) cho hay, dù quãng đường từ nhà đến cơ quan chỉ 15 phút đi xe máy nhưng nếu sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt thì rất mất thời gian, thường xuyên đến muộn; nếu đi xe đạp thì càng không phù hợp. "Làm nghề dịch vụ nên gặp gỡ khách hàng thường xuyên và phải đúng với lịch hẹn nên giải pháp đi xe đạp là bất khả thi, chưa kể điều kiện đường sá trung tâm thành phố rất nhỏ hẹp, xe máy vẫn là giải pháp tối ưu", chị Lan chia sẻ.

Trước các ý kiến trên, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở GTVT đang thu thập ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, đồng thời giao đơn vị chuyên trách nghiên cứu, phân tích và đánh giá về vấn đề này. Đề án này cần phải được triển khai thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Dự kiến đầu tháng 6, Sở GTVT sẽ tổng hợp báo cáo và đánh giá lần cuối trước khi trình UBND thành phố xem xét.

Theo Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH GTVT thành phố, mô hình phát triển xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm chỉ phù hợp với đô thị ở các nước đang phát triển, còn đối với TP Hồ Chí Minh thì không phù hợp. Cụ thể, ở thành phố, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, việc kết nối giữa các hệ thống giao thông còn rời rạc, đường dành riêng cho hệ thống xe buýt công cộng và xe gắn máy còn thiếu. Do đó, nếu phát triển xe đạp công cộng vừa gây áp lực lên hạ tầng giao thông vừa dễ gây ách tắc và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Cũng theo Thạc sĩ Sanh, trung bình mỗi tuyến đường trên địa bàn thành phố cũng kéo dài hơn chục kilômét nên không phù hợp cho xe đạp. Đó là chưa nói, điều kiện, tập quán sinh hoạt và mưu sinh của người dân Việt Nam gắn liền với sự di chuyển linh hoạt và nhanh chóng (khác xa với các nước trên thế giới) nên lại càng không thể áp dụng mô hình xe đạp công cộng. "Thiết nghĩ, lúc này cơ quan chức năng chỉ nên áp dụng mô hình này tại một số thành phố mới phát triển của cả nước trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả rồi mới mở rộng, Thạc sĩ Sanh góp ý.

Còn PGS, TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa thành phố, để sử dụng xe đạp công cộng vào mục đích vận chuyển hành khách hoặc du lịch thì ý thức tự giác của người dân là điều kiện tiên quyết. Hiện thành phố chỉ có 26 triệu mét vuông mặt đường, không đủ cho 5,5 triệu xe máy (cần đến gần 60 triệu mét vuông), chưa kể các phương tiện vận tải khác. Trong khi đó, vỉa hè bị chiếm dụng hết, không thể có chỗ để xe đạp chứ chưa nói tới việc di chuyển. "Do vậy, trước mắt thành phố chỉ có thể làm thí điểm cho một vài tuyến xe buýt tại các khu trung tâm có nhiều làn đường, hệ thống giao thông công cộng bao quanh hoạt động tốt", PGS, TS Mai đề xuất.

Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT thành phố, cho rằng người dân có thể dùng xe đạp công cộng để lưu thông trong phạm vi bán kính vài kilômét, hay khu trung tâm để tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các phương tiện giao thông khác là chủ trương đúng. Tuy nhiên, đề án này cần tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là các chuyên gia trong và ngoài ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên làm lấy được

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.