(HNM) - Những ngày qua, thông tin về việc thiếu vắc xin dịch vụ đã khiến nhiều người lo lắng. Phụ huynh lo con mình không được tiêm phòng đầy đủ, cơ quan chức năng thì lo có nhiều trẻ bỏ lỡ việc tiêm chủng trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát như đã từng xảy ra với dịch sởi vào đầu năm 2014.
Khám cho trẻ trước khi tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu |
- Xin ông cho biết tình hình cung ứng vắc xin hiện nay?
- Vắc xin dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trung bình, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin dịch vụ chiếm khoảng 10-20% tổng số mũi tiêm trên toàn địa bàn thành phố. Trong năm vừa qua, trên thế giới, nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ tăng đột biến và các hãng dược phẩm sản xuất không thể cung ứng đầy đủ cho thị trường. Tại Việt Nam, mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu các nhà nhập khẩu và phân phối phải công khai số lượng và số vắc xin phân bổ cho các đơn vị tiêm chủng khi có vắc xin nhập về.
- Vậy khi nào vắc xin dịch vụ sẽ tiếp tục được nhập về và liệu thời gian tới, tình trạng khan hiếm vắc xin như hiện nay có được khắc phục hay không?
- Hai năm trở lại đây, tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ thường diễn ra và việc đặt hàng trở nên bị động vì chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nguyên nhân của tình trạng này là nhiều quốc gia đã đưa những loại vắc xin này vào chương trình TCMR nên "cầu" đã vượt "cung". Vắc xin là một loại dược phẩm đặc biệt, thời hạn sử dụng ngắn, quy trình vận chuyển và bảo quản nghiêm ngặt nên không thể mua hàng từ trước để tích trữ. Cho đến thời điểm hiện tại, các hãng dược phẩm chưa có hứa hẹn gì về việc cung cấp vắc xin cho chúng ta. Sắp tới sẽ có một đợt vắc xin mới được nhập về nhưng số lượng không nhiều, và chắc chắn cũng không đủ để đáp ứng thường xuyên nhu cầu của người dân.
- Theo ông, trong tình trạng "cháy" vắc xin dịch vụ, liệu các điểm tiêm chủng có "găm hàng" rồi sau đó đẩy giá lên cao?
- Theo quy định, tất cả các cơ sở tiêm phòng đều phải niêm yết công khai giá các loại vắc xin dịch vụ. Nếu phát hiện được cơ sở y tế nào không công khai giá các loại vắc xin hoặc có sự tăng giá bất thường thì các bậc phụ huynh cần phản ánh ngay để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sai phạm kịp thời. Nếu nơi nào lợi dụng tình trạng khan hiếm vắc xin, "găm" hàng để trục lợi thì chắc chắn nơi đó sẽ bị xử lý nghiêm.
- Trong các loại vắc xin dịch vụ, hai loại vắc xin "6 trong 1" và "5 trong 1" kết hợp phòng nhiều loại bệnh luôn trong cảnh hết hàng. Nhiều phụ huynh đã tiêm cho con mũi 1 nhưng phải chờ vài tháng nay mà chưa tiêm được mũi thứ 2. Khoảng cách giữa các mũi tiêm bị kéo dài so với lịch tiêm liệu sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới hệ miễn dịch của trẻ, thưa ông?
- Cần phải nhắc lại rằng, thời gian gần đây, khi xuất hiện một vài vụ tai biến ở trẻ sau khi tiêm vắc xin trong các chương trình TCMR, không ít phụ huynh lo ngại, không dám đưa con đi tiêm miễn phí. Thay vào đó, các gia đình đổ dồn đến các điểm tiêm dịch vụ. Chính vì thế, mặc dù vừa có một lượng vắc xin tổng hợp "5 trong 1" (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) và vắc xin "6 trong 1" (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib) được phân phối tới các điểm tiêm dịch vụ nhưng chỉ sau vài ngày, vấn đề thiếu vắc xin lại tiếp diễn. Việc giám sát dịch sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua cho thấy, đa số trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Do đó, khi nguồn vắc xin dịch vụ chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu, việc chờ đợi tiêm dịch vụ là rất nguy hiểm bởi trẻ có thể mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Lý tưởng nhất để có miễn dịch bền vững là cho trẻ tiêm đúng tuổi và đủ liều. Với vắc xin phối hợp thì 3 mũi được tiêm liền khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi.
- Ông nghĩ sao khi người dân tỏ ra nghi ngại về chất lượng vắc xin miễn phí?
- Lâu nay, người dân có xu hướng muốn sử dụng vắc xin ngoại, cho rằng vắc xin dịch vụ sẽ phòng bệnh tốt hơn vắc xin miễn phí. Tuy nhiên, các loại vắc xin nhập khẩu (vắc xin dịch vụ) hay sản xuất trong nước đều được Bộ Y tế kiểm tra theo quy trình chặt chẽ, có bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn chất lượng thì mới đưa đến tay người dân. Những vụ tai biến xảy ra được đánh giá là không liên quan đến chất lượng vắc xin, chủ yếu do các bệnh lý khác trong cơ thể trẻ tại thời điểm tiêm. Hiện nay, các loại vắc xin trong chương trình TCMR vẫn được cung cấp đầy đủ, kịp thời với chất lượng tốt nhất. Vắc xin miễn phí được dành cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng, bao gồm 11 loại vắc xin phòng các bệnh như lao, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan virus B, bệnh do H. influenza typ B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Tính an toàn của các loại vắc xin này đã được chứng minh bằng kiểm nghiệm lâm sàng và qua thực tế tiêm chủng. Tại Việt Nam, hiện đã có hơn 90% trẻ được tiêm các loại vắc xin trong chương trình TCMR.
- Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, ông có khuyến cáo gì đối với các bậc phụ huynh?
- Tôi muốn lưu ý các bậc phụ huynh rằng, vắc xin, dù là vắc xin tiêm dịch vụ hay miễn phí đều là thuốc, và có một tỷ lệ nhất định trẻ em có phản ứng mạnh với thuốc. Do đó, sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, nếu thấy dấu hiệu bất thường thì phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Ngoài ra, khi đưa con đi tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cụ thể về tình trạng sức khỏe, bệnh cấp tính hoặc mạn tính mà trẻ mắc phải, các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng để các bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp, có thể hoãn tiêm cho tới khi sức khỏe của trẻ đáp ứng điều kiện tiêm chủng. Chúng tôi cũng đã tổ chức khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm, do vậy, phụ huynh có thể yên tâm khi cho con tiêm phòng.
- Cám ơn ông về cuộc trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.