(HNM) - Những ngày gần đây, việc thực hiện Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 3-11-2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học được dư luận quan tâm.
Anh Cao Hoài Tú (phường Thành Công, quận Đống Đa): Gây áp lực cho phụ huynh và học sinh
Mặc dù nhiều năm nay, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng ở nhiều địa phương, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Việc dạy thêm, học thêm tràn lan đã gây áp lực cho phụ huynh và học sinh. Ở một số trường, giáo viên tìm mọi cách để được dạy thêm như yêu cầu phụ huynh viết đơn tự nguyện cho con học thêm; còn phụ huynh vì ngại cô giáo, sợ con mình thua kém bạn bè… nên vẫn ngậm ngùi cho con đi học. Mới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, phụ huynh chúng tôi rất mừng, nhất là quy định nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp.
Bà Bùi Lý Thị Phương (xã Cấn Hữu,huyện Quốc Oai): Xử lý nghiêm giáo viên cố tình vi phạm
Rất nhiều phụ huynh đồng tình với những nội dung mà chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành. Nếu các nhà trường thực hiện nghiêm chỉ thị này thì sẽ hạn chế việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay; học sinh sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn. Hiện nay, tôi thấy nhiều giáo viên vẫn giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh, kể cả học sinh lớp 1, lớp 2. Vì vậy, phụ huynh mất rất nhiều thời gian để kèm con, có học sinh ngồi vào bàn từ 20h nhưng phải đến 22h mới được rời khỏi bàn vì quá nhiều bài tập. Phải làm quá nhiều bài tập đã khiến cho học sinh có tâm lý chán học, mệt mỏi. Các trường, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm nếu phát hiện giáo viên cố tình vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học.
Bà Võ Thị Len (phường Quang Trung, quận Đống Đa): Phụ huynh vẫn thiếu niềm tin
Những người muốn duy trì việc cho con học thêm hay giao thêm bài về nhà cũng có những lý lẽ riêng của họ. Thực tế, nhiều năm qua việc cho con học thêm và đề nghị giao thêm bài cho các con ở cấp tiểu học là nhu cầu của không ít phụ huynh. Theo tôi, sự trái ngược này vẫn tồn tại là vì ngành giáo dục chưa làm triệt để việc cấm dạy thêm, học thêm; trong khi đó, việc tuyển sinh vào lớp 6 của một số trường trên địa bàn Hà Nội lại có đòi hỏi khắt khe về trình độ, thành tích học tập của các con. Nhiều phụ huynh lo lắng nếu không học thêm thì con em họ không đủ trình độ, kiến thức để vào những trường tốt sau này. Xét ở một khía cạnh khác, nếu so sánh bài tập trong chương trình sách giáo khoa với các bài tập nâng cao thường có mức chênh lệch khá lớn về độ khó, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, tư duy tốt mới có thể làm được. Do vậy, nếu chỉ "đóng khung" làm bài tập trong sách giáo khoa, không học bồi dưỡng, không học nâng cao… thì có thể các em sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội sau này. Tôi cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT không có biện pháp điều chỉnh đồng bộ giữa các cấp học về trình độ, chương trình, thi cử… thì việc học thêm sẽ vẫn tồn tại bởi phụ huynh vẫn thiếu niềm tin về một hệ thống giáo dục đồng nhất, chất lượng.
Chị Đỗ Thị Liên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Cần chọn lựa duy trì những cuộc thi có chất lượng
Không thể phủ nhận rằng, các cuộc thi ở cấp tiểu học nếu được tổ chức công bằng, chất lượng cũng là cách để tạo động lực cho cả thầy và trò, là cách để đánh giá về chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, nhiều năm qua các cuộc thi đã tạo áp lực cho nhà trường, học sinh và cả phụ huynh nên vô tình là động lực thúc đẩy việc học thêm, dạy thêm. Song, vì không quản được nên cấm mọi cuộc thi, liệu có là việc làm quá tiêu cực, không tạo được sân chơi bổ ích cho các em? Và thực tế, chính Bộ GD-ĐT cũng tổ chức một số cuộc thi như: Giải toán qua mạng internet - Violympic, cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE), Ý tưởng trẻ thơ, Giao thông thông minh… Theo tôi, việc cấm tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi hay các "sân chơi" trí tuệ cần có sự gạn lọc để chọn được những cuộc thi thật sự bổ ích và số lượng các cuộc thi không phải quá nhiều, tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, kết quả các cuộc thi không được dùng làm thước đo thành tích của học sinh hay của nhà trường, cũng không được lấy kết quả các cuộc thi làm điều kiện để chọn lựa vào các trường tốt… Nếu là các cuộc thi lành mạnh, có chất lượng thì việc cấm có nên chăng?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.