(HNM) - Không còn là môn nhóm 1 trong định hướng đầu tư thể thao thành tích cao nhưng bóng bàn vẫn gây chú ý trong mỗi lần tập trung đội tuyển. Lần tập trung này, bóng bàn Việt Nam không có nhiều nét mới; có chăng chỉ là ở vị trí HLV trưởng và sự xuất hiện của một số gương mặt nam trẻ.
Tay vợt Nguyễn Anh Tú (Hà Nội). |
Hơn một năm trước, đội tuyển bóng bàn quốc gia háo hức chờ đợi vị HLV từ CHDCND Triều Tiên. Sau nhiều lần lỗi hẹn vì những lý do khách quan, vị HLV này cũng có mặt tại Việt Nam cùng người trợ lý của mình. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hợp tác, vị HLV nước ngoài đã không còn trực tiếp huấn luyện ở đội tuyển nữa. Người trong cuộc không nói rõ lý do nhưng chỉ biết rằng đến khi kết thúc hợp đồng với vị chuyên gia này, Tổng cục TDTT đã không tái ký hợp đồng. Thực tế, trong giai đoạn cuối năm 2014, các HLV nội hoàn toàn chịu trách nhiệm với các VĐV. Còn với các HLV ngoại, bài học cũ vẫn được nhắc lại với câu quen thuộc "tiền nào người nấy". Nếu không có ít nhất 5.000 USD đến 7.000 USD/tháng thì khó lòng thuê được chuyên gia nước ngoài giỏi và khi không đáp ứng được thì tốt nhất là dùng người trong nhà.
Đến lần tập trung này (từ ngày 1-3 đến 5-10-2015), Ban huấn luyện đội tuyển nam gồm các HLV nội với những gương mặt quen thuộc. HLV trưởng là ông Nguyễn Đức Long, 2 trợ lý HLV là Nguyễn Nam Hải và Lê Xuân Phong. Đáng chú ý, số HLV lên đội tuyển đợt này ít hơn một số lần trước (có lúc là 4 người). Dù vậy, ít người có lẽ cũng sẽ khiến các quyết định về nhân sự ở đội tuyển trước các giải đấu lớn trong năm như SEA Games 28, Giải Vô địch Châu Á đồng thuận hơn. Khả năng của các HLV lần này đều đã được kiểm chứng. Vấn đề là họ sẽ phát huy năng lực đến đâu trong môi trường đội tuyển.
Trong năm 2015, bóng bàn Việt Nam có 2 giải đấu cấp độ quốc gia quan trọng là SEA Games 28 (6-2015) và Giải Vô địch Châu Á (tháng 9 và 10-2015). Giải Vô địch thế giới diễn ra vào tháng 5 tại Trung Quốc đã không còn là mục tiêu của bóng bàn Việt Nam. Với kinh phí có hạn, đội tuyển quốc gia sẽ không dự giải thế giới. Thay vào đó, kinh phí để dự giải thế giới sẽ được dành để đi tập huấn nước ngoài, chuẩn bị cho SEA Games 28 và các giải đấu sau này. Có thể các nhà quản lý đã tính toán thực tế, cân nhắc kỹ chuyện "được mất" khi tập trung vào các giải đấu vừa sức thay vì căng mình ở tất cả các "mặt trận".
Một vấn đề khác luôn được chú ý là nhân sự thì trong lần tập trung đội tuyển lần này, đội tuyển nam đã quy tụ những tay vợt mạnh nhất hiện nay như Đinh Quang Linh, Lê Tiến Đạt, Dương Văn Nam (Quân đội), Trần Tuấn Quỳnh (T&T Hà Nội), Nguyễn Anh Tú (Hà Nội), Đào Duy Hoàng, Nguyễn Thành Luân (Petrosetco TP Hồ Chí Minh), Đoàn Bá Tuấn Anh, Nguyễn Đức Tuân (Hải Dương). Ngoài ra, trong danh sách này còn xuất hiện 2 tay vợt trẻ của Quân đội là Bùi Thế Nghĩa và Nguyễn Thành Nam, những người được nhắm cho các mục tiêu tương lai. Với 5/11 VĐV, Quân đội có nhiều tay vợt nam nhất được triệu tập lần này. Tất nhiên không phải ai trong số này cũng sẽ được chọn tham dự các giải đấu quốc tế nhưng rõ ràng bóng bàn nam Quân đội sẽ được hưởng lợi khi các tay vợt được tập trung ở môi trường đỉnh cao nhất Việt Nam. Ở đó, các tay vợt trẻ sẽ tiến bộ nhanh chóng để bắt kịp các đàn anh trong tương lai gần.
Trong khi đó, đội nữ chỉ vỏn vẹn 6 VĐV với đa số VĐV đã khẳng định được tên tuổi như Mai Hoàng Mỹ Trang (Petrosetco TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Việt Linh, Phan Hoàng Tường Giang (Công an nhân dân), Nguyễn Thị Nga (Hà Nội), Phan Thị Thiên Kim (Vĩnh Long). Tay vợt trẻ Vũ Thị Hà (Quân đội) cũng góp mặt lần này nhưng chủ yếu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, quá trình tuyển chọn nhân sự cho các giải đấu mới là vấn đề đáng chú ý bởi ở SEA Games gần đây nhất, bóng bàn Việt Nam đã một phen "mất ngủ" vì cách tuyển chọn nhân sự ở đội tuyển quốc gia. Lần này, hy vọng bài học kinh nghiệm của lần trước đã được đúc rút nên sẽ không lặp lại câu chuyện cũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.