Thể thao

Bóng bàn Việt Nam: Tìm hướng đi mới để nâng tầm

Ngân Hà 26/05/2024 - 06:53

Những năm gần đây, thành tích của bóng bàn Việt Nam có nhiều khởi sắc khi liên tiếp có được những tấm huy chương vàng tại đấu trường Đông Nam Á nhưng lại không thành công trong việc giành vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Để nâng tầm bóng bàn Việt Nam, các nhà quản lý bộ môn vẫn đang nỗ lực tìm hướng đi mới.

tay-vot-nu-nguyen-khoa-dieu-khanh-thi-dau-voi-tay-vot-nguoi-singapore-zeng-jian-o-tran-chung-ket-tai-vong-loai-olympic-mon-bong-ban-khu-vuc-dong-nam-a.-anh-xuan-son.jpg
Tay vợt nữ Nguyễn Khoa Diệu Khánh thi đấu với tay vợt người Singapore Zeng Jian ở trận chung kết tại vòng loại Olympic môn bóng bàn khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Xuân Sơn

Lỡ hẹn dự Olympic

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam kiêm Phụ trách bộ môn bóng bàn (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phan Anh Tuấn, bóng bàn Việt Nam có lực lượng tốt, không thua kém các các đối thủ trong khu vực. Bên cạnh nhóm tuyển thủ quốc gia có bề dày thành tích tại các giải quốc tế như: Nguyễn Anh Tú (Hà Nội), Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (thành phố Hồ Chí Minh), Đinh Anh Hoàng (Công an nhân dân)…, các vận động viên trẻ cũng dần khẳng định trình độ.

Tại Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024 vừa qua, các tay vợt đội tuyển Việt Nam đã đạt kết quả tốt, qua đó giành quyền tham dự Giải Vô địch trẻ châu Á 2024. Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay đối với bóng bàn trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, tại vòng loại Olympic môn bóng bàn khu vực Đông Nam Á (diễn ra từ ngày 8 đến 10-5 vừa qua) tại Thái Lan, mặc dù đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã có cơ hội giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024 nhưng cuối cùng không thành công. Vận động viên Nguyễn Khoa Diệu Khánh lọt vào chung kết nội dung đơn nữ, nhưng đáng tiếc đã thua đối thủ Singapore nên để tuột mất tấm vé tới Pháp.

Tại giải dành cho nam, vận động viên Đinh Anh Hoàng cũng vào bán kết, nhưng thua đối thủ Thái Lan và dừng bước nên không đủ điều kiện tranh suất chính thức dự Olympic Paris 2024.

Trưởng ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho hay, không ngạc nhiên khi nói sân chơi Olympic là quá tầm đối với vận động viên Việt Nam. Bởi các vận động viên Việt Nam rất ít được thi đấu giải quốc tế ở khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói tới châu Á. Xuyên suốt thời gian tập luyện chuẩn bị cho giải vòng loại Olympic, 4 tay vợt của Việt Nam chỉ tập luyện trong nước. Gần ngày diễn ra giải đấu, các vận động viên mới được đi tập huấn tại Trung Quốc. Trong khi đó, các tay vợt của các nước còn lại, trong đó có Thái Lan, Singapore liên tục được tham dự các giải quốc tế để tích lũy điểm trên bảng xếp hạng thế giới và nâng cao trình độ. Thế nên, các tay vợt Việt Nam khó có thể so đo về kinh nghiệm trận mạc và đẳng cấp với các đối thủ.

Tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa

Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, để bóng bàn Việt Nam nâng lên tầm châu lục và xa hơn là có thể giành suất dự Olympic, phương án hữu hiệu nhất là xây dựng lực lượng bài bản và cử đi thi đấu nhiều giải quốc tế. Chỉ khi được thi đấu quốc tế, tay vợt mới rèn được bản lĩnh, nâng cao trình độ chuyên môn.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cho rằng, tại giải vòng loại Olympic và ASIAD 19 (2023) vừa qua, bóng bàn Việt Nam đều có vận động viên vào đến bán kết và chung kết. Do đó, mục tiêu giành huy chương tại đấu trường châu Á trong thời gian tới không phải là quá tầm.

Thời gian tới, ban huấn luyện sẽ thay đổi đấu pháp chiến lược, trong đó sẽ đầu tư cho các vận động viên thi đấu các giải Pro Tour (giải đấu tính điểm trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới). Việc thi đấu nhiều giải quốc tế sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng và thuận lợi hơn ở các kỳ giải quốc tế trong việc bốc thăm, chọn hạt giống.

Huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn Việt Nam Đoàn Kiến Quốc cho rằng, bóng bàn Việt Nam cần mạnh dạn tìm kiếm nhiều nguồn lực đầu tư hơn nữa để vận động viên có thêm cơ hội thi đấu giải quốc tế, giúp tăng cường tâm lý, kỹ - chiến thuật. Khi ấy, chúng ta mới đủ khả năng so kè ngang ngửa với những đối thủ đến từ Singapore, Thái Lan và châu Á.

Còn theo Trưởng ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải, với thực tế nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn bóng bàn (Cục Thể dục thể thao) còn hạn hẹp, rất cần đến sự góp sức từ nhiều nguồn, tạo điều kiện cho vận động viên được tập huấn, thi đấu quốc tế tại các quốc gia có nền bóng bàn phát triển, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong điều kiện hiện tại, những nhà quản lý bộ môn vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”, chọn các giải đấu vừa sức cho đội tuyển tham dự.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Xuân Vũ cho biết, liên đoàn sẽ có những giải pháp thiết thực, nỗ lực tìm nguồn kinh phí xã hội hóa, xây dựng quỹ tài trợ, giúp các tay vợt tăng cơ hội thi đấu quốc tế, tích điểm, nhất là với một số tay vợt tiềm năng.

Hy vọng, với hướng đi đúng cùng sự đầu tư trọng điểm, thành tích của bóng bàn Việt Nam sẽ khởi sắc, đạt được mục tiêu tại các đấu trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng bàn Việt Nam: Tìm hướng đi mới để nâng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.