Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lơ là, chủ quan!

Tiến Thành| 04/10/2018 06:53

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người, tài sản. Thực tế này đòi hỏi, không chỉ lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà cả người dân cần nỗ lực hơn nữa, không lơ là, chủ quan để kiềm chế sự gia tăng của cháy, nổ.


Những nguy cơ khó lường

Thống kê 9 tháng năm 2018 của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 638 vụ cháy khiến 6 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 291 tỷ đồng và hơn 2ha rừng. Ngoài ra có 631 vụ chập điện trên cột, 315 sự cố khác về điện.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng năm 2018 tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Long Biên.


Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mặc dù số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đã giảm nhưng nguy cơ vẫn luôn hiện hữu với những diễn biến khó lường. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”, lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát, đưa vào diện đối tượng điều chỉnh của nghị quyết 1.147 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, tăng 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát sơ bộ bước đầu.

Bên cạnh đó, công tác phòng cháy, chữa cháy chung cư, nhà cao tầng đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi một số chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ trong công tác khắc phục. Công an thành phố đã công bố 199 cơ sở, công trình nhà cao tầng ở Hà Nội còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, trong đó mới có 11 công trình hoàn thành khắc phục tồn tại. Qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện, đình chỉ hoạt động 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Thực tế cho thấy, khi xảy ra cháy, nổ hậu quả để lại rất khó lường. Vụ cháy xảy ra ngày 17-9 vừa qua tại đường Đê La Thành (quận Ba Đình) khiến 2 người tử vong và gây thiệt hại lớn về tài sản là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ cháy lan, cháy lớn tại các khu nhà trọ, khu vực kinh doanh đông đúc…

Tuy nhiên, người dân, người đứng đầu cơ sở vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành đầy đủ các quy định an toàn, việc đầu tư cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thường chỉ mang tính đối phó. Sự chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy của người dân cũng chưa được nâng cao. Tình trạng bất cẩn trong lúc sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt vẫn chiếm đa số nguyên nhân các vụ cháy...

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Vừa qua, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, 1.916 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đến nhận công tác tại Công an thành phố. Trên cơ sở đó, Công an thành phố đã thành lập Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm 13 đội nghiệp vụ, trong đó có 7 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, Công an thành phố thành lập 30 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc công an các quận, huyện, thị xã. Sau khi sáp nhập và tổ chức lại, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao, không làm gián đoạn công tác chuyên môn.

Với những bước chuyển vừa qua, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tình hình mới, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, thời gian tới, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác điều tra cơ bản.

Trong đó tập trung phân tích, đánh giá phân loại mức độ nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy để đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp, hiệu quả. Đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá lại những tồn tại, bất cập về cơ sở hạ tầng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Với đặc thù của một đô thị lớn, mật độ dân số cao trong khi cơ sở hạ tầng, nhân lực, phương tiện phòng cháy, chữa cháy còn nhiều hạn chế, để kiềm chế sự gia tăng của cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô, rất cần sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và tất cả các tầng lớp nhân dân. Trong đó, ý thức, trách nhiệm về an toàn phòng cháy, chữa cháy của mỗi người dân được nâng cao sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa, kiềm chế cháy nổ.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, đây là công tác trọng tâm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Điều đó sẽ giúp người dân chủ động phòng ngừa cháy, nổ và có thể xử lý tốt các tình huống khi có sự cố xảy ra.

Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4-10 năm nay là dịp để tất cả các cấp, các ngành và nhân dân cùng nhìn nhận, đánh giá về thực trạng của công tác này, từ đó đề ra các giải pháp làm tốt hơn nữa vì sự an toàn tính mạng, tài sản của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi người dân.

Sáng 3-10, thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ năm 2018, Công an TP Hà Nội đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (quận Long Biên) với sự tham gia của khoảng 2.500 người và hàng chục phương tiện. Cuộc diễn tập đã kết thúc tốt đẹp, bảo đảm an toàn về người và phương tiện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không lơ là, chủ quan!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.