(HNM) - Với mong muốn con phát triển toàn diện, phòng, chống bệnh tật, nhiều bậc phụ huynh đã tùy tiện cho trẻ sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo phát triển chiều cao, bổ não, tăng cường vitamin, canxi, sắt, kẽm… Thế nhưng, do không tham vấn các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, việc bổ sung thực phẩm chức năng không đúng cách, thiếu khoa học đã khiến không ít trẻ bị ngộ độc, suy thận cấp, viêm gan cấp… nguy hiểm đến tính mạng.
Nhập viện do lạm dụng thuốc bổ tăng chiều cao
Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng cho trẻ” lên Google, các trang thương mại điện tử hay mạng xã hội: Facebook, Zalo…, người dân có thể dễ dàng tìm thấy đủ loại được quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, cao lớn, thông minh, có xuất xứ từ Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia… Giá cả của các loại thực phẩm chức năng, vitamin cũng rất đa dạng, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Điều đáng nói, đa số các thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng đều được quảng cáo là hàng “xách tay”, nhưng được rất nhiều người tìm mua. Hậu quả của việc lạm dụng thực phẩm chức năng thiếu căn cứ khoa học đã khiến không ít trẻ phải nhập viện.
Vào cuối tháng 7-2022, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 2 anh em ruột là V.L (3 tuổi) và M.H (18 tháng tuổi) nhập viện với chẩn đoán bị ngộ độc - suy thận cấp do uống vitamin D quá liều trong thời gian dài. Theo gia đình bệnh nhi, chỉ vì muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày tùy thích từ khi sinh ra. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, 2 bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Tại bệnh viện, các xét nghiệm cho thấy, cả 2 bé đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường...
Trước đó, vào tháng 6-2022, một bé gái 5 tuổi cũng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, đau khớp gối 2 bên. Theo lời kể, mẹ bé vì muốn con cao lớn nên đã tự tìm mua thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao được “xách tay” từ Australia về sử dụng. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán viêm gan cấp, đau khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, các loại vitamin, trong đó có vitamin D tuy rất cần thiết và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, song nó không phải là thuốc bổ có thể sử dụng tùy tiện hoặc dùng càng nhiều càng tốt. Việc bổ sung vitamin D liều cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc, nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng.
“Ngộ độc vitamin D nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng canxi máu, như ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, đái nhiều, trong các trường hợp nặng có thể gây mất nước, suy thận… và đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc lưu ý.
“Cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau”
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong số trẻ đến khám, thì có đến 80% ông bố, bà mẹ đã cho con sử dụng thực phẩm chức năng, phổ biến là các loại thực phẩm giúp tăng chiều cao, bổ sung vitamin, canxi… Đặc biệt, không ít trẻ gặp phản ứng phụ, tác dụng bất lợi do lạm dụng thực phẩm chức năng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, khi sử dụng thực phẩm chức năng không có nghĩa là không cần kê đơn và dùng một cách bừa bãi. Bởi, nếu cơ thể thiếu các chất, thì việc bổ sung sẽ mang lại hiệu quả, nhưng ngược lại, nếu cơ thể không thiếu mà bổ sung lại gây ra những bất lợi. Những loại thực phẩm thông thường mà được chế biến đúng cách, ăn theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì nó đã cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ (đạm, đường, mỡ, vitamin và chất khoáng). Thực phẩm chức năng chỉ nên dùng vào các trường hợp đặc biệt, như: Trẻ ốm yếu, trẻ mắc một số loại bệnh lý mà dinh dưỡng bình thường không cung cấp đủ… và việc sử dụng phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng không khuyến khích việc cha mẹ cho trẻ bổ sung các loại thực phẩm chức năng thay cho những thức ăn thông thường.
“Dinh dưỡng thông thường với trẻ em cực kỳ quan trọng. Các thầy thuốc làm về nhi khoa được dạy rằng “Cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau”. Thực phẩm chức năng nằm giữa ranh giới thuốc thông thường và thực phẩm, vì nó có một vài đặc điểm của thực phẩm và có một vài đặc điểm của thuốc, nhưng không phải là thuốc. Bộ Y tế đã có quy định không được phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Hiện có nhiều loại thực phẩm chức năng tốt, nhưng nếu lạm dụng và sử dụng không hiểu biết sẽ gây hại cho người sử dụng. Với trẻ em, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết, thầy thuốc mới kê thực phẩm chức năng...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.