Sáng 30-4, khắp các vùng quê ngoại thành Hà Nội đã rực rỡ sắc màu cờ, hoa và rộn ràng tiếng cười nói của người dân trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha anh, ngày 30-4 còn là dịp để người dân quây quần, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Khắp các trục đường lớn của huyện Chương Mỹ rợp cờ đỏ sao vàng, pano mừng Đại thắng mùa xuân năm 1975. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Phương Linh (21 tuổi), đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay trên các cung đường của Thủ đô, theo dõi Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên sóng truyền hình quốc gia, thế hệ trẻ càng thấy tự hào, yêu hơn những trang sử vàng của dân tộc.
“Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chúng tôi luôn biết ơn sự hy sinh của thế hệ ông cha. Ngày 30-4 là dịp để chúng tôi tưởng nhớ về quá khứ hào hùng, xác định lý tưởng sống và không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện tiếp bước truyền thống. Chúng tôi tự hào là người Việt Nam, tự hào về truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường của dân tộc. Chúng tôi nguyện sống xứng đáng với những gì đã được trao, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...", Nguyễn Phương Linh chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Hường ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì bộc bạch: "Sáng nay tôi dậy từ rất sớm bật tivi lên để chờ đến giờ xem lễ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Tôi vô cùng xúc động, tự hào nhìn ngắm những hình ảnh trang nghiêm, chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần cố gắng, trách nhiệm của các khối diễu binh, diễu hành. Tôi cũng đã xem lại những thước phim tư liệu cũ như cảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc lập không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng rưng rưng xúc động. 50 năm - một hành trình phát triển không ngừng của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, cùng với những thành quả to lớn về kinh tế, xã hội, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế; đó là điều bất cứ người dân nào cũng tự hào".
Tại huyện Đan Phượng sáng 30-4 trời dịu mát, khắp các ngả đường đều rực rỡ cờ hoa, người dân hân hoan, phấn khởi tận hưởng ngày nghỉ lễ. Tại tuyến đường mương Đan Hoài, rất đông người dân tới chụp ảnh bên tuyến đường cờ đẹp mắt. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng cho biết, Trung tâm đã trang trí con đường thân quen của chúng ta một diện mạo hoàn toàn mới - rực rỡ sắc cờ đỏ sao vàng. Con đường tạo nên không khí tươi vui, đầy cảm hứng cho tất cả những người con quê hương Đan Phượng để mỗi bước chân đi qua đều cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, như lan tỏa khắp không gian.
Theo chị Phạm Thị Định, người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, mỗi dịp 30-4 là dịp để cả gia đình chị quây quần, sum họp. Năm nay, từ sáng sớm, cả gia đình cùng ngồi xem lễ diễu binh, diễu hành đường tường thuật trên truyền hình và cùng làm những món ăn ngon để cả gia đình cùng thưởng thức.
Sáng 30-4, trên khắp các tuyến đường của thị xã Sơn Tây rực rỡ cờ hoa chào đón Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại vườn hoa thị xã, có nhiều người dân, du khách đến dạo chơi, chụp ảnh kỷ niệm. Riêng Thành cổ Sơn Tây hôm nay cũng nhộn nhịp hơn cả những ngày cuối tuần.
Anh Phan Quang Huy, cán bộ Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho hay, chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Ban Quản lý cũng đã trang trí cờ, hoa trong và xung quanh Thành cổ; tạo những điểm nhấn, góc đẹp để du khách đến tham quan có thể chụp ảnh lưu niệm. Hằng tuần, những ngày thứ 7, chủ nhật, Thành cổ thu hút khoảng 2.000-3.000 du khách mỗi ngày. Riêng buổi sáng hôm nay náo nhiệt hơn, đông vui hơn bởi chúng tôi đã đón hơn 3.000 du khách đến Thành cổ, có nhiều du khách mặc áo cờ đỏ sao vàng.
Anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì) thông tin, dịp nghỉ lễ nên đưa gia đình đến thăm Thành cổ Sơn Tây. Buổi sáng nay, gia đình và nhiều du khách khác đến Thành cổ đã đi tham quan Vọng cung, Kỳ đài, Đoan môn, 2 cổng cổ cùng nhiều vị trí khác. Trẻ em đến vui chơi ở Thành cổ còn được tham gia các trò chơi đu quay, đi tàu hỏa, tô tượng...
"Vừa tham quan, vui chơi ở Thành cổ, chúng tôi vừa kể cho các con nghe về ý nghĩa của ngày 30-4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nói cho các con hiểu những công lao to lớn của thế hệ ông, cha đã hy sinh cả thanh xuân, mồ hôi, xương máu và cả tính mạng, để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho lớp trẻ ngày nay được sống trong hòa bình...", anh Chiến chia sẻ.
Không khí hân hoan, tươi vui lan tỏa khắp các thôn xóm ngoại thành, như minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước. Dẫu là những vùng quê yên bình, nhưng trong ngày lễ trọng đại này, ngoại thành Hà Nội vẫn vẹn nguyên tinh thần của một thành phố “Vì hòa bình” - nơi truyền thống, hiện đại và niềm tin vào tương lai cùng song hành vững chắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.