(HNM) - Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn siêu kháng thuốc - kháng hầu hết kháng sinh. Tình trạng kháng thuốc không chỉ dẫn đến tử vong mà còn làm tăng gánh nặng chi phí y tế.
Người bệnh không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Phương Thanh |
Lạm dụng kháng sinh, hậu quả khôn lường
Kể từ khi bác sỹ Alexander Flemming phát hiện ra Penicilline năm 1928 đến nay, hàng trăm loại kháng sinh đã được phát triển và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã giúp cứu chữa hàng tỷ người mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc coi kháng sinh như "thần dược" chữa được mọi loại bệnh nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc chưa đủ liều, lạm dụng kháng sinh trong điều trị đã tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc. Hiện đã có 69 quốc gia báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự tồn tại của bệnh lao kháng thuốc nghiêm trọng. 440.000 ca nhiễm lao đa kháng thuốc là nguyên nhân gây ra ít nhất 150.000 ca tử vong trên thế giới mỗi năm. Việt Nam cũng đã ghi nhận tình trạng này với 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc, làm 1.800 người tử vong.
Trên thực tế, những năm qua ở Việt Nam, các bệnh lây nhiễm cần sử dụng kháng sinh để điều trị có xu hướng giảm dần (ước tính chỉ chiếm 25% tổng số bệnh tật), nhưng điều nghịch lý là nhu cầu và thực trạng sử dụng kháng sinh lại không giảm. Sau hơn 20 năm làm việc ở Việt Nam, ông Rafi Kot, Giám đốc Hệ thống phòng khám gia đình ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nhận xét, không chỉ các bác sỹ kê thuốc kiểu "bao vây" mà bệnh nhân cũng rất thích tự mua thuốc để điều trị. Tình trạng kết hợp nhiều loại kháng sinh trong điều trị rất phổ biến và đã xuất hiện những đơn thuốc kê cùng lúc đến 4 loại kháng sinh. Nếu theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì một nửa số thuốc kháng sinh trong những đơn thuốc này là không cần thiết. Còn theo báo cáo kết quả điều tra y tế quốc gia, có tới 27,4% số người được hỏi trả lời rằng thường tự mua thuốc để chữa bệnh. Điều này cho thấy, cả bác sỹ lẫn bệnh nhân đều đang sử dụng thuốc không hợp lý. Hậu quả là, bốn chủng vi khuẩn gram âm phân lập được nhiều nhất đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (với tỉ lệ kháng từ 66% đến 83%), tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon (tỉ lệ kháng trên 60%). Đây là kết quả nghiên cứu tại 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. So sánh với nghiên cứu giai đoạn trước năm 2006, tỉ lệ kháng kháng sinh ở nhóm imipenem tăng gần gấp đôi, từ 18,4% năm 2006 lên 35% năm 2009. Đáng lo ngại là đã xuất hiện những bệnh nhân kháng 30-60 loại kháng sinh. Công bố mới nhất cho thấy, khoảng 3% số ca mắc sốt rét Falciparum kháng các liệu pháp điều trị kết hợp với thuốc Artemisinin ở các tỉnh như Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Nông; khoảng từ 5% đến 15% trường hợp mắc HIV ở TP Hồ Chí Minh đã kháng lại các loại thuốc kháng virus, thậm chí trước cả khi bắt đầu áp dụng phác đồ điều trị...
Ngăn chặn việc lạm dụng thuốc
Kháng sinh được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc điều trị dự phòng các bệnh có khả năng gây thành dịch. Nó cũng có thể được sử dụng dự phòng trong các cuộc phẫu thuật nhằm chống bệnh nhiễm trùng bệnh viện. Để hạn chế việc vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, điều quan trọng nhất là phải sử dụng kháng sinh hợp lý. Có nghĩa là chỉ dùng kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm vi khuẩn (không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virus gây ra); khi đã chỉ định được đúng loại kháng sinh cho từng bệnh cụ thể thì phải dùng đủ liều lượng và đủ thời gian mới triệt được mầm bệnh. Cả bệnh nhân và bác sỹ phải luôn luôn đặt khâu vô trùng và tiệt trùng lên hàng đầu để hạn chế lây lan mầm bệnh, trong đó có vi khuẩn kháng thuốc.
Về giải pháp chiến lược lâu dài, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian tới Bộ sẽ thành lập mạng lưới giám sát quốc gia về vi khuẩn đa kháng sinh, phối hợp chặt chẽ giữa điều trị và y tế dự phòng; đẩy mạnh hoạt động của khoa chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, kiểm soát chặt ở những nơi có bệnh nhân nhiễm khuẩn, cách ly kịp thời bệnh nhân xuất hiện tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các viện nghiên cứu, bệnh viện xây dựng đề tài nghiên cứu đánh giá thực trạng, phân tích đặc điểm và xác định những yếu tố dịch tễ liên quan đến các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh; tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở điều trị, đặc biệt là kiểm soát việc bán thuốc theo đơn.
Với người dân, nâng cao ý thức phòng bệnh và chỉ sử dụng kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sỹ là hành động đúng đắn, có trách nhiệm với mình và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.