(HNMCT) - Dù mới đầu hè mà đã có những ngày nắng nóng gay gắt nên đồ bảo hộ chống nắng, trong đó có kem chống nắng, trở thành vật bất ly thân của chị em. Kem chống nắng không chỉ có tác dụng làm đẹp, mà còn giúp bảo vệ da, phòng tránh ung thư da. Tuy nhiên, với loại kem này, nếu dùng sai cách thì có thể khiến làn da không được bảo vệ tốt.
Không chỉ dùng lúc nắng gắt
Những năm gần đây, ý thức sử dụng kem chống nắng của phái đẹp đã cao hơn trước, việc dùng kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da trở nên phổ biến hơn. Bác sĩ Trịnh Minh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viên Da liễu Trung ương, cho biết, không chỉ riêng mùa hè mà bất kỳ mùa nào trong năm cũng cần sử dụng kem chống nắng.
Trong ánh nắng mặt trời có 3 loại tia là UVA, UVB và UVC. Ba loại tia này đều gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên làn da. Trong đó, tia UVA có thể xuyên qua lớp mây và sương, quần áo để tiếp xúc với da. Vì thế, tia UVA có khả năng gây nguy hiểm ở mọi nơi vào ban ngày, kể cả khi trời không có bóng nắng.
Vào mùa hè, cường độ nắng lớn nên việc bảo vệ da càng cần được lưu ý nhiều hơn. Đặc biệt là trong những ngày gần đây, chỉ số tia UV ở Hà Nội có giá trị từ 8 - 10 đơn vị với nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
"Ánh nắng là một trong những tác nhân gây lão hóa da. Cơ chế gây lão hóa da của ánh nắng là gây ra tổn thương các tế bào trên các lớp của da, đồng thời gây ra hiện tượng đứt gãy ADN trong các tế bào da, từ đó gây nên tình trạng đột biến và có thể dần dần hình thành nguy cơ ung thư da. Do đó, việc sử dụng kem chống nắng nhằm chống lại tác động của ánh nắng lên da là rất quan trọng" - bác sĩ Minh Trang lưu ý.
Những sai lầm thường gặp
Nhiều người chưa hiểu đầy đủ về ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời lên da, dẫn đến sai lầm khi sử dụng kem chống nắng. Đầu tiên là cách lựa chọn chỉ số SPF của kem chống nắng. Chỉ số SPF, hiểu nôm na là chỉ số chống nắng. Chỉ số này càng cao thì khả năng chống nắng cũng cao, tuy nhiên, dù chỉ số cao đến mức nào thì cũng không giúp bảo vệ da 100%.
“Nếu bạn đi ra ngoài trời nhiều và tiếp xúc ánh nắng với cường độ lớn thì thường phải chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 50 trở lên. Nếu làm việc trong môi trường không bị ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc trời hôm đó không quá nắng thì có thể chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30" - một chuyên gia da liễu tư vấn.
Ngoài ra, nhiều người gặp phải sai lầm là bôi quá ít kem chống nắng, không đủ về lượng để bảo vệ cho làn da, hoặc không có thói quen bôi lại kem chống nắng. Về cảm quan, để đủ tác dụng chống nắng thì cần bôi một lớp kem phủ kín trên bề mặt da, đo lường cụ thể là tương đương 2 - 3ml cho vùng da mặt, lượng kem chống nắng cho vùng da cơ thể sẽ phải gấp nhiều lần như thế.
Việc bôi kem chống nắng một lần trong ngày là không đủ để bảo vệ da. Thông thường, kem chống nắng có thể bảo vệ da trong 2 - 3 giờ, do đó, sau khoảng thời gian trên, chúng ta nên bôi lại kem chống nắng, trung bình mỗi ngày nên bôi lại kem chống nắng ít nhất khoảng 2 lần, thậm chí 3 - 4 lần/ngày.
Với phụ nữ thường xuyên trang điểm thì cần lưu ý bôi kem chống nắng kết hợp với các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền..., nếu không đúng quy trình sẽ làm mất tác dụng chống nắng.
Nếu bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác thì sẽ làm loãng kem hoặc làm thay đổi tính chất vật lý, hóa học của kem. Nếu trước đó có bôi kem dưỡng ẩm thì phải để kem có thời gian hấp thu vào trong da rồi mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường, thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cần cách nhau ít nhất 15 - 20 phút. Tốt nhất là chị em nên sử dụng kem chống nắng sau khi dưỡng da và trước khi trang điểm. Nếu không dưỡng da thì bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt.
Nhiều chị em cho rằng không cần tẩy trang khi thoa kem chống nắng, chỉ khi nào trang điểm thì mới cần. Đây là quan niệm sai lầm bởi những hoạt chất có trong kem chống nắng nếu không được loại bỏ một cách triệt để thì sẽ tích tụ lâu ngày trên da, gây hiện tượng bít tắc lỗ chân lông - nguyên nhân chính hình thành nên vùng da xỉn màu, bị mụn, lão hóa sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.