Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian thống nhất trong thơ và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

Nguyễn Thanh Tâm| 29/10/2022 14:58

(HNMCT) - Không gian quê hương chi phối không gian nghệ thuật của tác giả là điều bình thường. Với trường hợp Nguyễn Bình Phương, ở cả tiểu thuyết và thơ, không gian quê hương trở thành nỗi ám ảnh, thành nguồn cảm hứng cho sáng tạo có tính thống nhất.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Có thể thấy, cả ở thơ và tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã khai thác không gian Thái Nguyên, mà đặc biệt là vùng Linh Nham, Linh Sơn, biến địa danh thành một “trung tâm phát sóng” trong trường thẩm mỹ, trường văn hóa của tác giả. Linh Nham, Linh Sơn là không gian cho câu chuyện kể, cho nhân vật, cho những diễn tiến của tư duy, thủ pháp.

Trong thơ và trong tiểu thuyết, Linh Sơn, Linh Nham hiện lên ma quái, kỳ ảo, lạ lùng. Từ núi đến sông, trăng, mây, gió, nước, màu sắc và ánh sáng, con người, con vật... đều được khúc xạ qua nhãn quan, tư duy và mỹ cảm của chủ thể vốn có hứng thú đặc biệt với cái kỳ dị, huyền ảo, trở thành những biểu tượng, những ám dụ nghệ thuật. Dù khác nhau về thể loại, nhưng, không gian nghệ thuật trong thơ và trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương khá thống nhất.

Trong thơ, không gian hiện diện bằng nhịp điệu và cảm xúc thay vì bằng cách kể như trong tiểu thuyết. Rõ ràng, dưới góc nhìn liêu trai, bằng lối tư duy huyền ảo, bằng mỹ cảm ưu trội đối với cái kỳ dị, địa danh đã trở thành nhân vật, biểu tượng, một cõi riêng đậm màu sắc Nguyễn Bình Phương. Ở đó, người ta nhận ra một Linh Nham, Linh Sơn ngạo nghễ, âm u, hoang liêu, cất giấu những câu chuyện, những bí mật về lý lẽ biến dịch của tự nhiên, về quyền năng của tạo hóa. Đồng thời, không thể không cảm nhận được vẻ điên dại, hung bạo hay có phần u uẩn, phẫn uất của Linh Sơn, Linh Nham cùng một số địa danh khác gắn với không khí của tác phẩm: “Bãi tha ma Linh Sơn hoang vu/ Cây Cậm Cam rờn xám/ Cơn sốt dậy sắc hồng quái dị [...] / Linh Sơn/ Con trăn gió quăng mình tìm gió/ Con hổ trầm bên suối vỡ trăng" ("Khách của trần gian").

Ngoài những yếu tố thuộc về địa dư, mối liên hệ về gốc gác, bản quán; Linh Sơn, Linh Nham, Tuyệt Sơn trong ngữ âm, trong trường từ vựng, trong những khả năng vẫy gọi liên tưởng của nó, có lẽ gợi lên những điều linh thiêng, kỳ bí, ẩn giấu điều bất thường. Thơ, mà rộng hơn là nghệ thuật, luôn hàm chứa điều bất bình thường ấy. Nếu không xuất hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, Linh Sơn, Linh Nham, Tuyệt Sơn vẫn tự biểu lộ phần u uẩn, đáng sợ của nó. Phẩm chất ấy hội sinh với trí tưởng tượng kỳ dị, huyền ảo, ma quái của Nguyễn Bình Phương càng gia tăng thêm chất liêu trai cho vùng đất: “Ai rót rượu vào trăng/ Sương như mắt thiếu phụ về dĩ vãng/ Đêm/ Lang thang lang thang lang thang/ Ngực đồi già lau lách bỏ hoang/ Nghe trong đất lời tiên tri huyền bí/ Chẳng biết dữ hay lành/ Những vì sao âm ỉ” ("Linh Nham đêm").

Linh Sơn, Linh Nham, Tuyệt Sơn biến thành Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Bình Phương biến thành cõi tuyệt linh, tuyệt mù ấy? Theo tư duy thông thường, nhà văn cấp nghĩa cho đối tượng, nhân vật, nói cách khác, trong thế giới nghệ thuật, nhà văn là Thượng Đế. Nhưng, ở đây, dường như, cái âm u, huyền bí, liêu trai của vùng đất như một hoạt lực, khởi động quá trình tư duy, tưởng tượng của nhà văn. Đồng thời, trí tưởng tượng ấy lại bồi đắp, kiến tạo trở lại không gian thực tại. Hai quá trình này diễn ra trong tinh thần, tư tưởng, qua đôi mắt, sự cảm nhận riêng của Nguyễn Bình Phương. Không phải ai cũng nhìn thấy, cảm nhận, giống như Nguyễn Bình Phương. Và, điều đó làm nên sự khác biệt giữa các chủ thể: “Linh Sơn ở lại/ Thằng bạn điên sớm tối chỉ cười/ Cống Bù Rùm ban trưa nghe rắn quấn” ("Khách của trần gian").

Sự vượt thoát của chủ thể vào trong thế giới tưởng tượng của chính mình là một nhu cầu cũng như một khả năng của Nguyễn Bình Phương. Có thể, vùng đất thực tại chỉ là một cơ sở, một gợi dẫn, để từ đó hình thành nên cõi riêng, dung chứa những câu chuyện khác từ tinh thần của chủ thể sáng tạo. Linh Sơn, Linh Nham, Tuyệt Sơn, trong thơ và trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng là thế, một không gian của trí tưởng, một không gian mà phần không xác định, chìm trong huyền bí mới là điều đáng nói, là phần hướng đến của nghệ thuật.

Những địa danh có thể có thật, hoặc không. Điều quan trọng ở đây là nó đồng thời xuất hiện như những điểm hội tụ của tư duy, mỹ cảm trong thơ, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Nếu kết hợp cả tiểu thuyết và thơ, người đọc sẽ nhận thấy Linh Nham, Linh Sơn trong thế giới Nguyễn Bình Phương thực sự “là óc của con rồng” ("Những đứa trẻ chết già"), từ đó tỏa ra thứ ánh sáng, bóng tối, sự u huyền, ghê rợn hay kiêu hãnh khiến con người vừa sợ hãi vừa kiêng nể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không gian thống nhất trong thơ và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.