Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian nghệ thuật Manzi: ''Mở'' để kết nối nhiều hơn

Đăng Khoa| 06/08/2022 14:22

(HNMCT) - Với mong muốn giới thiệu nghệ thuật đương đại tới công chúng Việt Nam và thúc đẩy đối thoại văn hóa, Manzi (với 2 cơ sở được mở tại quận Ba Đình là ở số 14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún) đã tổ chức nhiều hoạt động như Triển lãm thị giác, tọa đàm, workshop, giới thiệu sách, chiếu phim, trình diễn âm nhạc và múa...

Không gian nghệ thuật Manzi, địa điểm lý tưởng với những người yêu thích nghệ thuật đương đại.

Chú trọng nghệ thuật thị giác

Với nhiều người, được vùi mình vào một góc nào đó tại Manzi (số 14 phố Phan Huy Ích) để thưởng thức cà phê và ngắm tranh đã trở thành thói quen không thể thiếu, giống như cách người ta đang “thưởng thức” cuộc sống, nghệ thuật thật chậm và thật sâu vậy. Mang một chút hoài niệm, không gian của Manzi với 2 tầng, mỗi tầng hơn 60m2 được bài trí hết sức cuốn hút với các bức tranh của các họa sĩ đương đại như An Nguyễn, Bàng Linh Nhất, Bùi Quang Khiêm, Bùi Tiến Tuấn, Cấn Văn Ân, Doãn Hoàng Lâm... và cả các họa sĩ nước ngoài như Jamie Maxtone - Graham (Mỹ), Adam Lombard (Nam Phi), Anuma Lei (Philippines)...

Anh Nguyễn Hoàng Long, một trong ba người sáng lập không gian này, nói rằng mô hình cà phê của Manzi với không gian thoải mái đã thu hút được lượng khán giả nhiều hơn so với các không gian nghệ thuật thuần túy - thường là những không gian “đóng” mà đa số người tìm đến là các nghệ sĩ hoặc những người có sự quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật. Manzi là một mô hình “mở”, phù hợp để mọi người tìm đến và giao tiếp với nhau, bao gồm cả những người không quan tâm đến nghệ thuật.

“Manzi chú trọng nhất đến nghệ thuật thị giác, chúng tôi tạo ra không gian để các nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm của mình. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các chương trình về âm nhạc, văn học và các cuộc đối thoại với nghệ sĩ” - anh Long chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tuân, quản lý của Manzi tại 14 Phan Huy Ích cho biết, các chương trình của Manzi có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự giao hòa giữa cổ điển và sự phá cách hay những tác phẩm mang tính thời sự. Thành phần tìm đến với Manzi rất đa dạng. Không chỉ có những người trẻ tuổi mà còn có người cao tuổi. “Tôi thấy thú vị khi hai đối tượng này cùng tìm đến Manzi, biết đâu đấy họ còn gặp được nhau để trao đổi và học hỏi nữa. Để giúp tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa nghệ sĩ và công chúng, Manzi tổ chức những buổi nói chuyện, qua đó công chúng có thể “chất vấn” các nghệ sĩ về tác phẩm của họ” - anh Tuân nhấn mạnh.

Mới đây, không gian của Manzi tại số 2 ngõ Hàng Bún đã diễn ra triển lãm “Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối” của kiến trúc sư Nguyễn Hà và các cộng sự tại Arb Architects, thu hút nhiều người xem. Có mặt tại triển lãm, kiến trúc sư Nguyễn Tuấn khẳng định: “Thất bại, nhưng thực tế các thiết kế được giới thiệu trong triển lãm khiến những nghệ sĩ và kiến trúc sư, người yêu cái đẹp phải trầm trồ trước sự bay bổng, giàu ý tưởng".

Trước đó, tại không gian này đã diễn ra triển lãm “Người mơ: Nơi chốn khác, phiến trắng, im lặng hùng tráng” của họa sĩ Ly Hoàng Ly. Đó được coi là một cơ thể tác phẩm đang sống, liên tục phập phồng cùng những suy tư, chất vấn chưa hồi kết của nghệ sĩ về khái niệm quê hương, căn tính, sự sống, cái chết; về bản trường ca di - nhập cư; về sự gian nan trong công cuộc ghi nhớ và lưu hành những mẩu vi lịch sử hoặc tự sự cá nhân...

Khơi gợi, tạo cảm hứng với người thực hành sáng tạo

Đánh giá về không gian của Manzi, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, đây là không gian cực kỳ quan trọng cho người thực hành nghệ thuật đương đại, dần trở thành điểm yêu thích của các bạn trẻ. Không gian này tạo nên hệ sinh thái, hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật đương đại hàng đầu ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam.

Là nơi tạo ra các dự án mang tính cộng đồng và kết nối với cộng đồng rất mạnh, đây gần như là không gian tiên phong trong việc hỗ trợ cho nghệ thuật đương đại. Bản thân Manzi luôn tìm cách sáng tạo nhất có thể để ứng biến với công nghệ, với sự vận động của xã hội để đưa thực hành nghệ thuật có chất lượng còn ít người biết đến với công chúng. “Tất cả triển lãm tại đây đều mang tính nghệ thuật đương đại nên không dễ bày ở các không gian thương mại. Hơn nữa, trong bối cảnh không gian nghệ thuật đương đại ở Việt Nam dường như chưa được quan tâm nhiều thì một không gian tư nhân như Manzi đã giúp ích rất nhiều cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật. Nó được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Với 10 năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm làm gần chục triển lãm thì không gian này đã thực hiện khoảng gần 100 triển lãm, đó là con số đáng kể. Không chỉ cho mỹ thuật - nghệ thuật, không gian này còn hỗ trợ các hoạt động biểu diễn âm nhạc, thơ, kịch mang tính thử nghiệm” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Chúng tôi muốn tham gia đào tạo nghệ sĩ nhưng, hiện nay, không gian Manzi còn hạn chế nên chưa thể thực hiện được. Tôi muốn có một không gian kiểu studio mà các nghệ sĩ có thể tìm đến trực tiếp thực hành chứ không chỉ mang tác phẩm đến trưng bày sau khi chúng đã được hoàn thành. Thậm chí, có thể sẽ có những phiên phản biện, các buổi phê bình với sự tham gia của các chuyên gia”.

Đánh thức tiềm năng

Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện khá nhiều không gian nghệ thuật với mô hình hoạt động tương tự như Manzi, như: Ơ kìa Hà Nội, Heritage Space... Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê, những mô hình thành công như Manzi, Ơ kìa Hà Nội, Heritage Space... cho thấy văn hóa trở thành một yếu tố của ngành công nghiệp, thậm chí đem lại lợi nhuận rất lớn. “Nếu chúng ta biết cách khai thác văn hóa, khai thác sức sáng tạo và có chiến lược đúng đắn thì sẽ tạo ra giá trị kinh tế rất lớn. Và, có thể khẳng định rằng, vai trò của tư nhân đối với phát triển công nghiệp văn hóa ngày càng rõ nét và chiếm vị trí quan trọng” - ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì những không gian sáng tạo như Manzi, Ơ kìa Hà Nội, Heritage Space... đang là xu thế phát triển của thời đại, là một điểm nhấn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các ngành công nghiệp văn hóa chính là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa. Với thành tố then chốt là vốn văn hóa vững chắc và tinh thần doanh nghiệp, các ngành công nghiệp văn hóa chính là công cụ hữu hiệu cho quá trình tăng trưởng và đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp xây dựng nền kinh tế sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không gian nghệ thuật Manzi: ''Mở'' để kết nối nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.