Chúng ta đang chứng kiến một bầu không khí phấn chấn trên cả nước, với niềm tin vững chắc cùng tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Khát vọng mạnh mẽ ấy đang được khởi đầu từ một trong những quyết sách quan trọng là sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị để mở ra cơ hội và không gian phát triển mới cho đất nước.
1. Đảng ta đang thực hiện một trong những quyết sách chiến lược với “tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm” là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, chỉ đạo mới nhất về vấn đề này được nêu rõ tại Nghị quyết số 60-NQ/TƯ (ngày 12-4-2025) Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Điểm đáng chú ý nữa là Ban Chấp hành Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 (ngày 14-4-2025) về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 theo đúng định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về vấn đề này.
Như vậy, sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, quy mô về diện tích, dân số, đặc biệt là quy mô nền kinh tế của từng tỉnh, thành phố cũng như các xã sẽ tăng lên đáng kể, tạo ra một không gian phát triển mới đầy hứa hẹn.
Điểm dễ nhận thấy khi nhìn vào dự kiến danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (ban hành kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TƯ) là mở rộng không gian phát triển cho các địa phương trên các phương diện của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng... Nói cách khác, việc sáp nhập tỉnh và xã lần này đã thay đổi hẳn về tư duy, tức là không chỉ căn cứ vào các tiêu chí đơn thuần như quy mô dân số, diện tích, mà đã chú trọng đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển gắn với các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.
Chúng ta có thể lấy ví dụ các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên sáp nhập với một số tỉnh duyên hải miền Trung như: Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi; hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai; hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng; hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, đã mở ra không gian kết nối giữa vùng núi với vùng biển, tạo nên thế mạnh tổng hợp cho các địa phương trong phát triển kinh tế ở các lĩnh vực như: Dịch vụ logistics, du lịch, xuất nhập khẩu nông sản, hàng hóa, phát triển kinh tế biển... Nhìn xa hơn, việc sáp nhập tỉnh có núi với tỉnh có biển sẽ giúp kết nối chiều ngang (Đông - Tây) được thông suốt, vừa giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, vừa bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.
Một ví dụ điển hình khác là việc dự kiến hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một siêu đô thị mang tầm cỡ khu vực, thậm chí trên toàn cầu. Đơn vị hành chính mới này chắc chắn sẽ mở ra không gian, khơi thông nguồn lực, mang lại nhiều động lực phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương có thể tận dụng hệ thống cảng biển hiện đại của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay. Việc sáp nhập cũng sẽ tạo điều kiện đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ với các tuyến cao tốc, hệ thống giao thông công cộng để giúp kết nối các đô thị vệ tinh của 3 địa phương hiện nay. Đây là điều kiện căn bản giúp thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy thương mại và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế.
Phân tích một số ví dụ như trên để thấy, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là chiến lược “tầm nhìn ít nhất 100 năm” để đạt mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước giàu mạnh và thịnh vượng.
2. Thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình về việc sáp nhập để mở rộng không gian phát triển lên tầm cao mới.
Còn nhớ, ngày 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được mở rộng khi tỉnh Hà Tây cùng một số địa phương của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) hợp nhất vào (thực hiện theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan). Gần 17 năm qua, Hà Nội đã có một diện mạo hoàn toàn mới, khẳng định việc mở rộng Thủ đô là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ đô giờ đây đã mang dáng hình văn hiến, văn minh, hiện đại. Đó là hệ thống giao thông đang từng bước hoàn thiện (đường hàng không, đường bộ, đường sắt đô thị), kết nối không chỉ trong nội bộ Thủ đô, mà còn vươn đến các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng như cả nước, qua đó thúc đẩy phát triển giao thương, văn hóa, du lịch..., góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.
Cũng phải kể đến các khu đô thị hiện đại, sầm uất đã, đang mở rộng không gian đô thị cho Thủ đô. Trong đó, nhiều huyện trước đây của tỉnh Hà Tây (cũ) chủ yếu phát triển nông nghiệp thì nay đã chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch và có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín... Chưa kể, nhiều khu vực sáp nhập về Thủ đô trong tương lai sẽ trở thành những đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố Hà Nội như khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai - Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh...
Phải khẳng định, công cuộc mở rộng Thủ đô Hà Nội là cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử không chỉ với Hà Nội mà còn với cả nước.
Hà Nội không những khẳng định tầm vóc mới, tâm thế mới, mà còn chủ động định hình con đường tương lai rộng mở hứa hẹn bước phát triển to lớn hơn, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã trao gửi là trở thành thành phố kết nối toàn cầu và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Những kinh nghiệm quý báu trong việc sáp nhập và mở rộng không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội chắc chắn còn vẹn nguyên tính thời sự và giá trị trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trên quy mô cả nước.
3. Cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã và đang diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, thống nhất cao trong toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy những chủ trương, quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất đúng, rất trúng, hợp ý Đảng, lòng dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm khi đánh giá về vấn đề này đã nhìn nhận rất sâu sắc: Tinh gọn bộ máy chính trị, sáp nhập tỉnh, xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội để sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Rõ ràng, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp bách, không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác. Đặc biệt, mục tiêu sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính là tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài của Đảng, Nhà nước ta, vì vậy, các cấp, ngành, địa phương ở thời điểm lịch sử này không được có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi” hay “địa phương này, địa phương kia”. Quyết sách lịch sử để mở rộng không gian phát triển cho mỗi địa phương, vùng miền là vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân. Do đó, quá trình triển khai các công việc cần trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó.
Đích đến đã vạch ra, lộ trình đã rõ ràng, vận hội của đất nước đang mở ra sáng ngời niềm tin, chứa chan hy vọng trong mọi người dân trên đất nước Việt Nam. Thể hiện quyết tâm này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Nhất định chúng ta sẽ thành công”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.