(HNMCT) - Điêu khắc là một bộ môn nghệ thuật khó, kén người. Vậy mà có một người phụ nữ Việt Nam, một nữ điêu khắc gia không những rạng danh ở châu Âu, là tên tuổi lớn trong nền điêu khắc thế giới mà còn được vinh danh là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong Từ điển Larousse, và được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Nghệ thuật, Khoa học, Văn chương châu Âu. Đó là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị - người con của xứ Huế.
Mối duyên định mệnh với điêu khắc
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920 tại làng Châu Ê (xã Thủy Bằng, thành phố Huế). Bà mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, theo cha sống ở Tây Nguyên 9 năm rồi về Huế học. Năm 1946, bà tốt nghiệp Nha khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bà đi theo kháng chiến phục vụ trong ngành Y dược. Năm 1948, bà bị bệnh và được đưa sang Pháp điều trị, tiếp tục theo học và nghiên cứu Nha khoa, hành nghề nha sĩ. Năm 1953, bà kết hôn cùng đồng nghiệp, đồng hương là tiến sĩ Nguyễn Phúc Bửu Điềm.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc khá muộn (ở tuổi 40), như là định mệnh. Trước khi học nghề trong xưởng của nhà điêu khắc Volti, bà chưa qua một trường mỹ thuật kinh viện nào. Điều khác biệt, đặc sắc và kỳ diệu nhất trong điêu khắc của Điềm Phùng Thị là 7 module do bà sáng tạo nên. Đó là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa, là những chất liệu đơn giản mà bí ẩn, có sức mạnh, có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình. Những module này xuất phát từ những mẩu vật liệu thừa trong xưởng điêu khắc thực hành, được bà gom nhặt và gọt giũa. Ban đầu là 10 mẫu, sau rút lại còn 7 mẫu. Bà gọi đó là 7 ký hiệu (sign). Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là 7 mẫu tự, còn Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc. Có người gọi đấy là 7 sắc cầu vồng, có người lại gọi là số 7 của nhà Phật...
Dù có gọi bằng tên gì thì 7 module ấy được lắp ghép và biến tấu, đã tạo nên ngôn ngữ điêu khắc mang tên Điềm Phùng Thị. Người ta có thể nhận thấy thứ ngôn ngữ ấy vừa sang trọng vừa giản dị, vừa khỏe khoắn vừa mềm mại, vừa hiện đại kiểu phương Tây nhưng vẫn thấm đẫm chất Đông Phương và sâu lắng hồn dân tộc Việt. Từ cuộc triển lãm đầu tiên đầy ấn tượng năm 1966 ở Paris cho tới những năm tháng cuối đời, bà lặng lẽ và bền bỉ đi theo con đường riêng, tạo dựng nên thế giới điêu khắc của riêng mình. Nhiều người đã ví Điềm Phùng Thị như là “chiếc cầu nối Đông - Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ”.
Điêu khắc của Điềm Phùng Thị như chất chứa sâu thẳm những nỗi niềm, những suy tư và ẩn ức như chính cuộc đời bà. Thế nhưng, bao nhiêu con chữ cũng không thể nói hết về những hình khối sắp xếp từ 7 ký tự kỳ diệu kia.
Không gian độc đáo ở quê hương
Suốt thời gian ở châu Âu sáng tác và hành nghề điêu khắc, Điềm Phùng Thị thành công với hàng nghìn tác phẩm, trong đó có hàng trăm tác phẩm được trưng bày ở các bảo tàng nghệ thuật danh giá, hàng chục cuộc triển lãm tiếng tăm, và 36 tượng đài được dựng ở khắp nước Pháp. Thành danh ở tầm thế giới, là “công dân quốc tế” nhưng tháng 12-1992, bà cùng chồng đã trở về quê hương - xứ Huế - để sống và làm việc.
Nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc của Điềm Phùng Thị ban đầu ở số 1 Phan Bội Châu, tới năm 2018 chuyển tới số 17 Lê Lợi (thành phố Huế) - khiêm nhường hơn những không gian trưng bày ở Pháp và châu Âu nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Không gian đó như một cuốn phim tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của bà, trong đó có tình yêu nghệ thuật, tình yêu đôi lứa với người chồng - người đồng nghiệp gắn bó ngót nửa thế kỷ, và tình yêu quê hương vô bờ...
Không gian điêu khắc Điềm Phùng Thị trưng bày hàng chục tác phẩm tiêu biểu trong số hơn 300 tác phẩm bà mang về nước. Các tác phẩm phong phú về đề tài, chất liệu, song đều nhất quán về ngôn ngữ, phong cách - một phong cách riêng biệt, vừa sang trọng, sâu sắc vừa gần gũi với đời sống. Nghệ thuật của bà có nét hiện đại của phương Tây nhưng vẫn đậm màu sắc Á đông; vừa hiện thực, vừa siêu thực. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của bà, người xem luôn phải tư duy và suy tưởng.
Trước khi mất (29-1-2002), nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã hiến tặng toàn bộ di sản nghệ thuật của mình cho quê hương. Sau này, nhà trưng bày tác phẩm - nơi vợ chồng bà từng ở và làm việc đã được chỉnh trang, nâng cấp thành không gian nghệ thuật có giá trị và là một điểm đến quan trọng của thành phố Huế. Những năm qua, Nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc Điềm Phùng Thị đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Trung bình mỗi năm, nhà trưng bày đón hơn 10.000 lượt khách, trong đó khoảng 50% là khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đưa điểm tham quan này vào các chương trình tour, tuyến của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.